Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kintedothi - Ngày 6/5, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tiến hành xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải bị kết án về tội “Giết người” và tội “Cướp tài sản” do có kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Phiên tòa giám đốc thẩm do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. 
Vụ án Hồ Duy Hải phạm tội “giết người” và “cướp tài sản” xảy ra tại tỉnh Long An từ đầu năm 2008. Hai nạn nhân bị sát hại là nữ nhân viên điệu Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh (khi đó) đều tuyên phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Năm 2011, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao đều có quyết định không kháng nghị bản án. Năm 2012, Chủ tịch nước cũng đã có Quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
 Xét xử vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm
Tuy nhiên, bản án chưa được thi hành do Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước.
Ngày 22/11/2019, Viện KSND tối cao đã có Quyết định kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, đề nghị hủy các bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã tuyên đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Đại diện VKSND tối cao cho biết, căn cứ để kháng nghị là do Bản án đối với bị cáo Hồ Duy hải có nhiều nội dung chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, việc thu thập, đánh giá các chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ, nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn.
Đó là mâu thuẫn về hành vi tấn công nạn nhân; hành vi hiếp dâm nạn nhân của bị cáo. Không có nhân chứng nào khẳng định được Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án. Chưa điều tra làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có theo lời khai của bị cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án.
Để đảm bảo khách quan, đúng pháp luật, tránh oan, sai, không bỏ lọt tội phạm, ngoài đại diện các cơ quan Trung ương như: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thì Tòa án nhân dân tối cao còn mời đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Long An và luật sư Trần Hồng Phong, người tham gia bảo vệ quyền lợi cho phạm nhân, tới tham dự phiên tòa.
Hồ sơ vụ án
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định, trong quá trình xét hỏi của cơ quan điều tra đều có sự tham gia của đại diện viện kiểm sát cùng cấp và luật sư nên hoàn toàn không có chuyện ép cung, nhục hình.
Sau đây là tóm lược hồ sơ vụ án này:
Ngày 13/1/2008, hai nữ nhân viên Bưu điệu Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An bị sát hại.
Ngày 21/3/2008, nghi can Hồ Duy Hải bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Ngày 01/12/2008, TAND tỉnh Long An tuyên phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải Ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo của Hồ Duy Hải.
Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2011, Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSNDTC quyết định không kháng nghị bản án và có Tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có Quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước.
Ngày 12/2/2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải.
Ngày 22/11/2019, Viện KSND tối cao đã kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, đề nghị hủy các bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm đã tuyên đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Nhiều chuyên gia pháp lý hàng đầu trong nước nhận định, đây là vụ án nghiêm trọng, phức tạp kéo dài.
Đây là 1 vụ án hy hữu, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tố tụng của Việt Nam vì vụ án đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quyết định không kháng nghị và đều có Tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải và Chủ tịch nước đã quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, nhưng nay lại được kháng nghị.
Thực tế này đang đặt ra vấn đề cần thiết phải bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự của Việt Nam.