Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xi măng tồn kho tăng

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi thép xây dựng đã có đợt điều chỉnh giảm lần thứ 11, giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD) cơ bản khác như xi măng, cát, đá... vẫn "dậm chân tại chỗ".

Giá xi măng vẫn ở mức cao khiến chi phí xây nhà của người dân bị tăng cao. Ảnh: Hoàng Nguyên  
Giá xi măng vẫn ở mức cao khiến chi phí xây nhà của người dân bị tăng cao. Ảnh: Hoàng Nguyên  

Vừa mừng, vừa lo

Từ đầu tháng 7, chị Nguyễn Thị Thanh đã bắt đầu khởi công xây dựng căn nhà 5 tầng, rộng 40m2 ở phường Mỗ Lao (quận Hà Đông) để sang năm sẽ được ở trong căn nhà mới. Do giá sắt, thép hiện đang rẻ, nguồn cung dồi dào nên gia đình chị không khó để đặt mua số lượng thép yêu cầu.

"Tuy nhiên, giá xi măng, cát... vẫn ở mức cao, vốn nghĩ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền để có thể mua sắm nội thất trong nhà nhưng giờ tôi phải bù vào các loại VLXD khác. Hiện giá xây dựng căn nhà của gia đình trội thêm khoảng 20% so với dự toán ban đầu, từ 1,2 tỷ đồng lên 1,4 tỷ đồng chưa bao gồm nội thất" - chị Thanh chia sẻ.

Anh Nguyễn Lâm, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) cho biết, cuối năm 2021, anh hỏi giá xây dựng cho căn nhà một tầng, rộng khoảng 100m2 được chủ thầu báo giá 4,5 triệu đồng/m2. Đào móng xong, giá các VLXD tăng mạnh nên anh cũng chỉ lấy ngày đẹp rồi tạm ngưng đợi đến khi nào giá cả hạ nhiệt mới tính thi công.

"Vì chỗ xây dựng cũng là bà con trong nhà, tuy nhiên tính sát nhất cũng dự chi phải hơn 1,5 tỷ đồng, chưa tính các chi phí phát sinh khác. Nhà cũng không thể cứ tạm ngưng mãi được nên bên cạnh vay mượn gia đình, bạn bè đành phải tính đến nguồn vay lãi từ ngân hàng" - anh Lâm nói.

Theo Hiệp hội Xi măng, hiện nay, giá thành sản xuất xi măng khoảng từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/tấn nhưng thực tế giá bán ra trên thị trường chỉ khoảng từ 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn. Như vậy, DN sản xuất xi măng sẽ chịu lỗ từ 200.000 - 240.000 đồng/tấn. Chi phí sản xuất tăng mạnh buộc DN phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh năm nay.

Áp lực dư cung

Một trong những "ông lớn" ngành xi măng - Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) ghi nhận lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 86% so với cùng kỳ, tổng doanh thu nửa đầu năm hơn 19.200 tỷ đồng, vượt hơn 13% so với bán niên 2021, nộp ngân sách gần 1.100 tỷ đồng. Đại diện lãnh đạo Vicem nhận định, kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các DN xi măng. Giá xăng, dầu, than... tiếp tục tăng cao, đặc biệt giá than nhập khẩu có thời điểm lên đến 490 USD/tấn với nguồn cung khan hiếm.

Trong điều kiện nguồn than khó khăn, các đơn vị của Vicem đã nghiên cứu sử dụng than phẩm cấp thấp để đốt lò tuy có ảnh hưởng đến năng suất và tiêu hao nhiệt của lò song đã duy trì hoạt động liên tục của các lò nung clinker.

"Tiêu thụ nội địa chậm, DN phải tìm mọi giải pháp nhưng bán hàng rất vất vả. Nhiều nhà phân phối cho biết, giá xi măng tăng cao, người tiêu dùng không muốn xây sửa nhà, do thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh suốt 2 năm qua. Thậm chí có nhà đang xây dựng cũng tạm dừng" - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vicem Hoàng Thạch Lê Xuân Khôi chia sẻ.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên, doanh thu thuần tăng 5,5% so với cùng kỳ lên 2.385 tỷ đồng, giá vốn hàng bán tăng tới 13,5% lên 2.066 tỷ đồng. DN giải trình do giá nguyên nhiên liệu chính cho sản xuất xi măng như than, dầu, thạch cao... tăng giá mạnh. Kết quả, biên lãi gộp điều chỉnh từ 19,3% cùng kỳ xuống 13,4%. Trừ đi các chi phí khác, quý II, lãi sau thuế gần 136 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Hiệp hội Xi măng, trước áp lực tăng chi phí đầu vào (giá than, xăng dầu), từ tháng 3 đến nay, ngành xi măng đã phải 3 lần điều chỉnh tăng giá bán, với biên độ tăng cả 3 lần từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn tùy từng thương hiệu. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa làm giảm bớt gánh nặng chi phí đầu vào cho các DN sản xuất xi măng, đã xuất hiện tình trạng một vài nhà máy phải dừng lò nghiền clinker do càng sản xuất càng lỗ.

Trước đây, giá than nội địa chỉ giao động ở mức 1,8 triệu đồng/tấn, nay đã tăng lên 4 triệu đồng/tấn, trong khi giá than cám 4b nhập khẩu tăng lên 5,5 triệu đồng/tấn. Dù giá than nội địa tăng cao, các DN cũng không thể mua được do than được ưu tiên cho nhiệt điện, nhập khẩu cũng gặp nhiều trở ngại do khó thuê tàu vận chuyển dù chấp nhận chi phí logistics cao ngất ngưởng. Trong khi đó, tỷ trọng than trong giá thành sản xuất xi măng chiếm 35 - 40%.

Theo các báo cáo, nhu cầu xi măng nội địa hiện nay chỉ đạt dưới 65 triệu tấn thì quy mô công suất toàn ngành đã lên tới gần 107 triệu tấn, thực tế có thể sản xuất khoảng 120 - 130 triệu tấn thành phẩm nếu điều chỉnh tỷ lệ trộn phụ gia. Điều này dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và tiêu thụ xi măng ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu.

Dự báo, trong năm nay, các DN xi măng sẽ đạt mức tăng trưởng dương lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên sự phục hồi sẽ chậm hơn so với kế hoạch do giá than nhiệt duy trì ở mức cao và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc (thị trường xuất khẩu chính) khiến sản lượng xuất khẩu xi măng - clinker giảm mạnh.

 

Theo Tổng Cục Thống kê, xuất khẩu xi măng, clinker trong nửa đầu năm đạt gần 16,2 triệu tấn, trị giá 740 triệu USD, giảm 22% về lượng, giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường xuất khẩu chính, tại cả Trung Quốc và Philippines đều ghi nhận mức nhập khẩu sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam sụt giảm.