Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xin hãy để bình yên trường học

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, chuyện của một trường tiều học ở TP Hồ Chí Minh thu quỹ lớp hơn 300 triệu đồng và đã chi hơn 200 triệu đang gây xôn xao dư luận, với nhiều ý kiến trái chiều.

Vẫn có ý kiến cho rằng, việc lớp học kia đề ra thu quỹ lớp với số tiền lớn như vậy đã được các phụ huynh (tuyệt đại đa số) đồng thuận; vậy việc thu và chi như thế nào là chuyện của phụ huynh lớp đó và người liên quan là cô giáo chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường.

Cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh, thuộc ngành giáo dục, đã có công văn với nội dung buộc lớp học nói trên hoàn trả hầu hết số tiền của phụ huynh đóng góp, vì quy trình thu - chi không đúng quy định; riêng một vài khoản chi được tiếp tục thực hiện. Đây là động thái được xem là nhanh và tích cực của cơ quan chức năng này.

Trước đó, tại Hà Nội, một lớp học cũng đã trả lại tiền quỹ lớp khá lớn cho phụ huynh sau khi có những phản ánh.

Việc thu các khoản đầu năm học những năm gần đây ở nơi này, nơi nọ vẫn gây bức xúc cho dư luận. Các khoản thu đa số có vẻ hợp lý, nhưng cũng có khoản thu hết sức vô lý, kiểu tiền “chọn giáo viên chủ nhiệm”...

Điều đáng quan tâm, số tiền được phụ huynh tự nguyện (theo đúng nghĩa đen) góp (thường là khá lớn) để lắp máy lạnh, sửa sang phòng học... đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được nhắc tới nhiều.

Như trong trường hợp thu tiền của lớp học tại TP Hồ Chí Minh nói trên, điều quan trọng nhất không phải là việc thu nhiều tiền, bởi đa số phụ huynh đều đồng thuận và có lẽ họ là nhưng người có kinh tế khá giả. Quan trọng là, cùng một trường, cùng một khối học, có ổn không khi lớp này đẹp hơn, có máy lạnh chạy mát rượi... trong khi lớp khác xấu và chỉ dùng quạt điện?

Có ổn không, khi cùng một địa bàn, nhiều lớp học còn chen chúc, chật chội, phòng học tạm bợ, trong khi có những lớp học sang trọng, chi hàng trăm triệu chỉ để sửa sang? Thậm chí có gia đình dù "chạy hết cửa" vẫn không thể tìm ra lớp học cho con, vì trường công thì đã hết chỗ, còn trường tư có học phí cao.

Lâu nay chúng ta đang phấn đấu phổ cập giáo dục với đối tượng ngày càng mở rộng (mầm non, tiểu học...), một trong những mục đích là tạo ra sự công bằng trong thụ hưởng giáo dục.

Đây là quá trình hết sức khó khăn, bởi sự chênh lệch giữa các vùng miền về kinh tế, đời sống xã hội là khác nhau, rất khó xóa bỏ khoảng cách.

Tuy nhiên, ngoài việc chú ý đầu tư về giáo dục cho các vùng đang khó khăn, vùng sâu, vùng xa, chúng ta đừng tự tạo thêm khoảng cách hưởng thụ giáo dục như cách các phụ huynh của lớp học nói trên đang làm.

Nếu có ai đó cho rằng: tiền của tôi đi đầu tư cho con tôi thì có gì phải băn khoăn?

Vâng ạ! Tiền của ai đó nếu đầu tư cho riêng con bạn trong môi trường gia đình bạn là chuyện khác, còn đây là trong khuôn viên trường học lại là chuyện khác, bởi nó ảnh hưởng đến tâm tư, suy nghĩ của những học sinh không có cha mẹ giàu để đua làm mới cho phòng học khang trang hơn, đầy đủ tiện nghi hơn.

Mong rằng, các phụ huynh (và cả thầy cô giáo) khi góp hay thu tiền, chú ý đến môi trường giáo dục, cố gắng để các học sinh có sự bình đẳng dù là tương đối trong thụ hưởng giáo dục, để các em có một xuất phát điểm trong cuộc đời tương đối như nhau.