Một cơ sở chế biến gia cầm quy mô công nghiệp tập trung. |
Số lượng các cơ sở giết mổ chưa được kiểm soát chiếm tỷ lệ lớn làm gia tăng nỗi lo về an toàn thực phẩm. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện mỗi ngày có khoảng 660 tấn thịt (gia súc, gia cầm) được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội được kiểm soát, chiếm tỷ lệ 65% tổng lượng thịt tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa, vẫn còn khoảng 35% tổng lượng thịt các loại (tương ứng với 355 tấn) chưa được kiểm soát, được cung cấp đến bữa ăn của người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.
Giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn gián tiếp “giết chết” các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, quy mô lớn. Thực tế cho thấy, hoạt động của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp hiện có trên địa bàn Hà Nội còn rất hạn chế. Không ít cơ sở giết mổ công nghiệp đã đầu tư kinh phí, được các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước cấp các loại giấy tờ theo quy định, nhưng mới chỉ hoạt động được 20 – 40% công suất thiết kế. Một số cơ sở thậm chí phải tạm ngừng hoạt động giết mổ dây chuyển, hoặc chuyển sang mổ sàn (giết mổ thủ công bán công nghiệp) để duy trì vận hành.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện, TP đang chỉ đạo đơn vị phối hợp với các sở, ngành tập trung rà soát lại mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm, tiến tới trình UBND TP phê duyệt quy hoạch. Bên cạnh đó, TP cũng đang thí điểm một số chính sách hỗ trợ chi phí giết mổ cho các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, trong năm 2020, sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác quản lý giết mổ, đặc biệt là chú trọng kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm. Mục tiêu trong những năm tiếp theo là thu hẹp và giảm nhanh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng.