Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng "quy hoạch treo", cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch...

Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng "quy hoạch treo", cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch là một trong những quan điểm chỉ đạo đáng chú ý của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành.

Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng  
Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng  

Quá trình đô thị hóa còn nhiều hạn chế

Nghị quyết số 06-NQ/TW khẳng định, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao...

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.

Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới…

Theo Nghị quyết, những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Trong đó chỉ ra, nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện...

Soi chiếu những nhận định này vào thực tế phát triển đô thị Hà Nội thời gian qua cho thấy sự tương đồng. Cụ thể, sau đợt giám sát vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và Thường trực HĐND TP đã có kết luận: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị của TP Hà Nội còn bất cập, thiếu đồng bộ. Tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch còn chậm, đặc biệt là quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng của các địa phương. Chất lượng một số đồ án chưa tốt, dự báo chưa sát với yêu cầu thực tiễn và phát triển của địa phương dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư…

Theo đánh giá KTS Lê Hoàng Phương – Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch Hà Nội, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, với khoảng 30 quy hoạch chuyên ngành, 19 quy hoạch chung huyện, các đô thị, rất nhiều quy hoạch phân khu và khoảng 700 đồ án quy hoạch chi tiết, 300 quy hoạch nông thôn mới các xã… hệ thống quy hoạch của Hà Nội quá cồng kềnh, thiếu đồng bộ, chồng chéo, không thống nhất. Đây là rào cản trong công tác quản lý của Hà Nội.

Quy hoạch đô thị phải đi trước một bước

Nhìn nhận đô thị hóa là tất yếu khách quan, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này. Theo đó, thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển.

Đặc biệt, đối với công tác quy hoạch đô thị, Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới tư duy, lý luận, phương pháp thực hiện; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng "quy hoạch treo", cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thử thách của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đồng thời đang đi vào hướng phát triển bền vững thì yêu cầu đổi mới công tác quy hoạch đô thị theo như chỉ đạo của Bộ Chính trị là cấp thiết và sát với thực tiễn.

Từ thực tế công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện theo quy hoạch của Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, cần xây dựng bản quy hoạch tổng thể, thống nhất quy hoạch tỉnh với quy hoạch chung xây dựng, chương trình phát triển đô thị, điều chỉnh Luật Thủ đô cũng như các cơ chế chính sách đặc thù để gắn quy hoạch với thực hiện quy hoạch. “Khi có một bản quy hoạch chung tổng thể Thủ đô Hà Nội, sẽ đáp ứng được yêu cầu về phát triển, nâng cao đời sống người dân và tạo thuận lợi cho công tác quản lý đô thị” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

 

Với việc ban hành Nghị Quyết số 06-NQ/TW có thể khẳng định đây là một bước đột phá rất lớn về công tác đô thị, khi lần đầu Bộ Chính trị ra một Nghị quyết chuyên đề về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Đặc biệt, trong Nghị quyết lần này đã đưa ra 6 giải pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu nhằm nâng cao chất lượng đô thị.

Đây là định hướng quan trọng để cho các tỉnh, TP, đô thị sẽ có bước phát triển toàn diện, bứt phá, phát huy được hết vai trò trong giai đoạn sắp tới, nhất là những đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Do đó, rất cần các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị sớm cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch hành động để Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm