Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa điểm chân rác tự phát khu dân cư: Khó hay dễ?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng các bãi rác thải tự phát tại nhiều địa bàn khu dân cư Hà Nội đã xuất hiện từ nhiều năm nay.

Theo các chuyên gia môi trường, vấn đề xóa các điểm chân rác này cũng không đơn giản nhưng nếu quyết tâm thì không có gì là không thể.

Chân rác thành điểm check-in

Mới đây, trên địa bàn phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm), chân rác tự phát tại khu vực số 39 phố Hàng Mành đã được xoá thành công và trở thành điểm check-in thú vị của người dân và du khách.

Hình ảnh bắt mắt của khu vực 39 Hàng Mành sau khi công trình “Tranh tường bích họa và Tủ điện an toàn'' hoàn thiện. Ảnh: Thương Huế
Hình ảnh bắt mắt của khu vực 39 Hàng Mành sau khi công trình “Tranh tường bích họa và Tủ điện an toàn'' hoàn thiện. Ảnh: Thương Huế

Theo Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh, chân rác tự phát trên địa bàn cũng không phải ít nhưng phường đã và đang từng bước xóa bỏ. Với điểm chân rác tự phát tại khu vực 39 phố Hàng Mành, phường đã huy động được sức mạnh của Đoàn Thanh niên để thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, tham gia xóa điểm rác và xây dựng công trình "Tranh tường bích họa và Tủ điện an toàn".

 

Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022 nêu rõ: Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố…

“Xóa điểm rác tự phát nghe thì dễ nhưng để làm hiệu quả không dễ chút nào nhưng quyết tâm thì sẽ làm được. Đối với chân rác tại Hàng Mành tồn tại cũng đã lâu, chính quyền, tổ dân phố nhắc nhở, chỉ đạo, quán triệt cũng vẫn không hiệu quả, bị người dân sở tại và khách vãng lai vứt, đổ rác trộm. Vì vậy, phường đưa ý tưởng cho Đoàn Thanh niên thực hiện thí điểm mô hình biến chân rác thành điểm check-in lý tưởng” – ông Nguyễn Mạnh Linh chia sẻ và cho biết thêm, Đoàn Thanh niên phường Hàng Gai trong quá trình thực hiện đã xin chỉ đạo của Quận Đoàn Hoàn Kiếm để lan tỏa sức mạnh của tuổi trẻ.

Kết quả đạt được là sự chung tay góp sức của các hội đoàn, từ việc thực hiện lên kế hoạch, khảo sát công trình, vẽ tranh bích họa và dọn điểm chân rác. Đến nay, sau một tháng khánh thành, tại khu vực này không còn tồn tại đổ trộm rác. Qua đó, bước đầu góp phần làm chuyển biến nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.

“Sau thành công của các mô hình nói trên, UBND phường sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tại các khu dân cư để cải tạo, xóa chân rác, biến thành khu vực xanh tươi, bảo đảm cảnh quan khu vực và bảo vệ môi trường” - Chủ tịch UBND phường Hàng Gai cho biết.

Mặc dù chưa có điểm check-in như phường Hàng Gai nhưng phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cũng đã thành công trong xóa điểm chân rác trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Nam Sơn, sau 2 năm đại dịch Covid-19, trên địa bàn phường phát sinh một số điểm chân rác và điểm chân rác cũ ở ngõ 122 Vĩnh Tuy trở nên phức tạp hơn khi tại đây lại diễn ra điểm trung chuyển rác mỗi ngày của công ty thu gom rác, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Vì vậy, lãnh đạo phường đã chỉ đạo quyết liệt các bộ phận, lực lượng chức năng phối hợp cùng cư dân trong khu vực có tinh thần trách nhiệm cao, chung tay với chính quyền kiên quyết thực hiện xóa bỏ các điểm chân rác.

“Chúng tôi phấn khởi nhất là đã xóa được điểm chân rác tại ngõ 122 Vĩnh Tuy tồn tại khoảng 20 năm nay, dù phường mang cả rào chắn để cấm đổ rác, chỉ đạo đơn vị thu gom để xe thùng cho người dân vứt rác nhưng kết quả thỉnh thoảng lại xuất hiện “núi rác” cạnh xe đựng rác.

Qua sự việc này, một lần nữa khẳng định, dù có khó khăn nào nếu có sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân… thì không gì là không thể làm” – ông Trần Nam Sơn nhận định.

Hành động đẹp cần nhân rộng

Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cho biết, các điểm chân rác này hiện thỉnh thoảng vẫn còn một, hai túi rác vứt trộm, vì vậy sắp tới tại điểm ở ngõ 122 Vĩnh Tuy – đối diện chung cư UDIC, UBND phường sẽ vận động các hội đoàn thể, đơn vị dọn khang trang khu vực này, vẽ tranh cổ động lên tường, trang trí thêm các chậu hoa để giải quyết triệt để chân rác, chưa thể là điểm check-in thì cũng góp phần làm khang trang bộ mặt đô thị của khu vực. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân.

“Để tiếp tục chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan khu vực sau khi xóa bỏ chân rác, trong thời gian tới đây, phường triển khai dự án đường hoa tại tuyến phố Dương Văn Bé.

Theo đó, tuyến phố Dương Văn Bé sẽ được trồng hoa dọc tuyến, đặc biệt là khu vực chân rác tai cổng Trường THCS Vĩnh Tuy đã được vẽ tranh, tạo cảnh quan môi trường, dự kiến hai bên cổng trường sẽ được bổ sung các chậu hoa dọc hai bên cổng…” - ông Trần Nam Sơn cho biết.

Thực tế cho thấy, dù xóa chân rác, tạo môi trường xanh là việc làm không mới vì đã và đang triển khai trên địa bàn nhiều phường/xã của Hà Nội nhưng rõ ràng hành động này rất cần nhân rộng và “phủ sóng” ở tất cả ngõ ngách của TP.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị xoay quan vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, kết quả của xóa điểm chân rác chính là động lực thúc đẩy người dân và chính quyền địa phương tiếp tục quyết liệt hơn trong việc thực hiện xanh hóa phố phường để Hà Nội thêm xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, xóa được chân rác tự phát rồi nhưng giữ được không tái diễn vi phạm không đơn giản. Vì vậy, để xóa triệt để chân rác, cần ra thông báo tuyên truyền việc xóa bỏ điểm tập kết rác, yêu cầu người dân thực hiện bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, gửi thông báo tuyên truyền đến người dân thông qua trang điện tử của phường, các trang Zalo hệ thống chính trị phường, Zalo của từng tổ dân phố...

Đồng thời treo biển cấm đổ rác tại các chân rác, vận động địa bàn dân cư, trường học thực hiện xã hội hóa lắp đặt camera giám sát việc thưc hiện. Cùng với đó thông báo cho người dân việc lắp đặt camera giám sát, sử dụng hình ảnh giám sát để "phạt nguội" đối với các trường hợp cố tình vi phạm, cố tình bỏ rác không đúng nơi quy định. Phối hợp với địa bàn dân cư cử lực lượng trực chốt, nhắc nhở trực tiếp người dân trong thời gian đầu triển khai thực hiện.