Là một trong những địa phương có nhiều điểm "nóng", nhưng đến nay, toàn bộ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Mê Linh đã được xử lý triệt để. Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim (Mê Linh) cho biết: "Trước đây, lúc cao điểm xã có tới 112 lò gạch thủ công. Sau khi được vận động, nhiều hộ dân đã tự nguyện dỡ bỏ. Đối với những hộ cố tình chây ỳ, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tiến hành cưỡng chế, giải tỏa đúng quy định". Không chỉ giải tỏa toàn bộ các lò gạch thủ công, xã Hoàng Kim còn thu được một quỹ đất nông nghiệp lớn (100ha). Từ cuối năm 2011, UBND xã đã chia lại số đất thu được cho các hộ làm lò gạch trước đây để phát triển chăn nuôi, sản xuất rau an toàn, được nhân dân hưởng ứng.
Trái với những kết quả đạt được ở một số huyện, nhiều địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm lò gạch thủ công. Kết quả kiểm tra mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, một số huyện không thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ lò sản xuất gạch thủ công theo chỉ đạo của UBND TP, còn tồn tại nhiều lò gạch thủ công. Nhiều huyện báo cáo còn mang tính hình thức, số liệu thiếu chính xác và chưa đầy đủ; chưa thực hiện kiên quyết, triệt để…
Việc xóa lò gạch thủ công ở huyện Ứng Hòa vẫn chưa xử lý dứt điểm. Ảnh Lê Đạt
Tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, tình trạng lò gạch gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại hoa màu vẫn diễn ra. Chủ tịch UBND xã Khai Thái cho biết, xã đã có chủ trương tháo dỡ, xóa bỏ theo chỉ đạo của TP và huyện. Tuy nhiên, cái khó là trước đây, HTX nông nghiệp và chính quyền các thôn đã ký 8 hợp đồng với các chủ lò đến hết năm 2012 và đầu năm 2013 mới hết hạn hợp đồng. Tiền đã thu một lần để kiến thiết các công trình phúc lợi địa phương, nên người dân tha thiết đề nghị để các hộ sản xuất đến hết năm 2012. Tương tự, huyện Ứng Hòa đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu các chủ lò gạch tự tháo dỡ, san lấp lại mặt bằng từ tháng 6/2011. Nhưng đến nay, toàn huyện vẫn còn 58 lò sản xuất gạch thủ công, trong đó 14 lò chưa thanh lý xong hợp đồng đấu thầu. Huyện đã xây dựng kế hoạch để hoàn tất thủ tục, hồ sơ cưỡng chế đối với các trường hợp tiếp tục vi phạm, không tự tháo dỡ trong quý III năm nay.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Đình Trường khẳng định, xóa bỏ lò gạch thủ công là chủ trương đúng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng khan hiếm gạch nung, ổn định thị trường vật liệu xây dựng khu vực nông thôn, TP cần xem xét đối với những trường hợp đã chuyển đổi công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm các tiêu chí về môi trường. Đối với huyện chưa có nhà máy gạch tuy nen, TP nên cho một số chủ lò có điều kiện tài chính, phù hợp quy hoạch của địa phương và có nguồn nguyên liệu tại chỗ được chuyển đổi công nghệ mới đạt tiêu chuẩn quy định.