Xóa lối đi tự mở qua đường sắt: Tiến độ chưa đạt yêu cầu

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong tổng số 88 lối đi tự mở qua đường sắt, Quảng Ngãi chỉ mới xóa được 5 lối đi.

Ngày 17/2, thông tin từ Sở Giao thông- Vận tải (GT-VT) tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đối chiếu với Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 3/6/2021 của UBND tỉnh về thực hiện quyết định Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, thì hiện nay tiến độ thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Lối đi tự mở qua đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Lối đi tự mở qua đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Cụ thể, toàn tỉnh chỉ xóa được 5/88 lối đi tự mở (ở huyện Sơn Tịnh và thị xã Đức Phổ); phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Theo Giám đốc Sở GT-VT Quảng Ngãi Nguyễn Phong, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc bố trí kinh phí để xây dựng đường gom, hàng rào vẫn chưa được các địa phương ưu tiên thực hiện, dẫn đến tiến độ xoá bỏ các lối đi tự mở không đạt yêu cầu. Công tác quản lý hành lang an toàn đường sắt chưa được các địa phương chú trọng.

Chính quyền địa phương chưa thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo xử lý và xử lý chưa triệt để, dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm chưa được phát hiện, xử lý kịp thời… làm cho tình trạng vi phạm hành lang an toàn ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đường sắt ở Quảng Ngãi.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đường sắt ở Quảng Ngãi.

Để đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh đảm bảo đạt kết quả, Sở GT-VT tải đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua bố trí kinh phí, khẩn trương xây dựng đường gom, hàng rào và các vị trí lối đi tự mở đã quy hoạch lên đường ngang nhằm bảo đảm xóa bỏ các lối đi tự mở theo đúng tiến độ.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt, đường bộ đến các tầng lớp nhân dân (đặc biệt các hộ dân sống dọc hai bên đường sắt). Khi làm thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp và người dân cần tính đến phương án đảm bảo an toàn giao thông khi đưa vào khai thác theo quy định của pháp luật về đường sắt. Khi quy hoạch các khu dân cư cần lưu ý để không vi phạm đến hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ.

Rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý tại các đường ngang theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.

Đối với các lối đi tự mở có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao, cần thực hiện việc tổ chức cảnh giới theo quy định. Trong trường hợp chưa bố trí được kinh phí và nhân sự cảnh giới thì chỉ đạo UBND cấp xã có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và phối hợp với ngành đường sắt thường xuyên kiểm tra, thu hẹp các lối đi tự mở.

Chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng ngành đường sắt và các đơn vị khác có liên quan khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm đất dành cho đường sắt.

Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dài gần 100km, qua địa bàn 31 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi.

Tổng số điểm giao cắt hiện có là 130 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có 42 vị trí đường ngang hợp pháp và 88 lối đi tự mở.

Tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn 88 lối đi tự mở.
Tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn 88 lối đi tự mở.

Tại các vị trí lối đi tự mở, đã tổ chức rào chắn, thu hẹp nhưng vẫn không thể ngăn chặn được việc tự tháo dỡ và đi lại của người dân. Do vậy, tình hình tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại các những vị trí này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần