Xóa quảng cáo bẩn trên môi trường số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Môi trường mạng hiện nay đang xuất hiện tràn lan các quảng cáo bẩn có nội dung tiêu cực, thậm chí là vi phạm pháp luật, từ đó tạo ra nhiều hệ lụy cho người sử dụng.

Đã tới lúc cần có những giải pháp mạnh hơn từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước để làm trong sạch lĩnh vực này.

Tràn lan quảng cáo bẩn

Khoảng 2 tháng nay, gia đình anh Nam Thắng (Cầu Giấy) đã phải từ bỏ thói quen xem các video giải trí trên Youtube trước mỗi bữa cơm tối. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc ngày càng xuất hiện nhiều quảng cáo trong các clip trên nền tảng mạng xã hội này, đặc biệt trong số đó có nhiều nội dung phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục hiển thị với tần suất dày đặc khiến người xem bức xúc.

Quảng cáo bẩn ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng. Ảnh: Hải Linh
Quảng cáo bẩn ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng. Ảnh: Hải Linh

Đang ăn cơm mà Youtube hiển thị quảng cáo thuốc chữa vảy nến hay tăng cường sinh lý thì không sao nuốt nổi. Không chỉ vậy, nhà có trẻ con nhưng thường xuyên các cháu vô tình phải xem những đoạn quảng cáo có hình các cô gái ăn mặc hở hang khi nội dung này hiển thị bất chợt trong clip, anh Thắng kể lại.

Trường hợp như anh Thắng không phải là cá biệt mà đây là hiện trạng chung của người dùng internet tại Việt Nam khi đang hàng ngày, hàng giờ bị “tra tấn” bởi các quảng cáo “bẩn” trên mạng. Mặc dù không có chủ đích tìm hiểu nhưng người dùng các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Tiktok, Youtube… thường xuyên bị ép xem các đoạn quảng cáo có nội dung tiêu cực như ăn mặc hở hang, mời gọi cá độ, lừa đảo việc làm…

Đặc biệt, nhiều quảng cáo có nội dung tiềm ẩn khả năng vi phạm pháp luật như đầu tư tiền ảo, trục lợi từ thiện, kinh doanh đa cấp… lại có sự tham gia của nghệ sỹ nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội càng khiến người xem dễ dàng bị lừa. Từ đó cũng xuất hiện một lớp người, đặc biệt là giới trẻ, tìm mọi cách, đa phần là tiêu cực, để thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, qua đó kiếm lợi từ hoạt động quảng cáo.

Đánh giá về thực trạng quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam, tại Hội nghị Triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng mới đây, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết, các vi phạm vẫn diễn ra tràn lan.

Mặc dù Nghị định số 70/2021/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đã ra đời hơn 1 năm với nhiều quy định cụ thể nhưng mức độ tuân thủ của các dịch vụ quốc tế nói trên còn rất thấp. Tính tới hiện tại mới chỉ có 9 DN kinh doanh quảng cáo nước ngoài đăng ký với Bộ TT&TT. Trong đó không có những thương hiệu lớn và nội dung quảng cáo nhiều như META (Facebook), Amazon, Linkedin, Adskeeper…

Đặc biệt, Facebook và Youtube đã và đang tồn tại rất nhiều nội dung quảng cáo vi phạm với pháp luật Việt Nam. Mặc dù bị nhắc nhớ nhiều nhưng khắc phục hậu quả rất chậm. Đáng chú ý, ở dịp World Cup đang diễn ra, trên Facebook xuất hiện tràn lan các nội dung quảng cáo cá độ bóng đá nhưng dường như mạng xã hội này không hề có biện pháp ngăn chặn, ông Lê Quang Tự Do nói.

Cũng theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, đang có tình trạng các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, sai sự thật, khiêu dâm, giật gân, vi phạm bản quyền ở rất nhiều video trên YouTube, Facebook…

Hiện tại, ngoại trừ các thương hiệu lớn như Vinamilk hay Nestle có quy định chặt chẽ về nội dung quảng cáo, còn đa phần đều “thả nổi” khâu này cho các đại lý. Do đó, mặc dù cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm về quảng cáo trên mạng, nhưng nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến.

Lý giải về nguyên nhân, ông Lê Quang Tự Do cho biết, đầu tiên là do các đại lý kinh doanh quảng cáo chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật, ý thức kiểm soát nội dung của các thương hiệu chưa cao. Bên cạnh đó, bất chấp quảng cáo phản cảm nhưng YouTube, Facebook vẫn cho bật chức năng kiếm tiền, do đó tần suất những nội dung bẩn này xuất hiện ngày càng cao.

Được biết, từ đầu năm 2018, Bộ TT&TT đã yêu cầu Facebook thực hiện ngăn chặn quảng cáo vi phạm như: Chặn, gỡ 330 Fanpages liên quan đến quảng cáo game cờ bạc, game đổi thưởng; Gỡ bỏ 72 tài khoản, Fanpages liên quan đến quảng cáo buôn bán vũ khí, vật liệu gây nổ. Đồng thời trên Youtube là: Ngăn chặn 130 video về mua bán, săn bắn động vật hoang dã nằm trong danh sách được bảo vệ và 500 video quảng cáo, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu gây nổ.

Ngoài ra, trong năm 2022, Bộ TT&TT đã tiến hành xử lý 15 trường hợp vi phạm với số tiền 210 triệu đồng. Chặn thành công tên miền của 2 DN quảng cáo (Your Adchoices và Adbro) vi phạm nhưng không hợp tác theo yêu cầu. Cũng như tiếp tục nghiên cứu giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn triệt để hoạt động quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam.

Sẽ có danh sách “trắng” và “đen” cho quảng cáo trực tuyến

Trước tình trạng tràn lan vi phạm quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do cho biết, trong thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực thi nhiều giải pháp mạnh hơn. Mọi hành vi vi phạm Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sẽ được xử lý triệt để. Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ tập trung xử lý trực tiếp với những DN có đăng quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới nhưng lại không đăng ký với cơ quan quản lý. Nếu DN không đặt máy chủ ở Việt Nam, Cục PTTH&TTĐT sẽ phối hợp với các nhà mạng nhằm xác minh và xử lý nếu có sai phạm.

Bên cạnh việc tăng cường rà quét các dịch vụ quảng cáo trên mạng, Bộ TT&TT cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an cũng như các Sở TT&TT để đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra cũng như xử lý vi phạm đối với các đại lý quảng cáo tại Việt Nam, đặc biệt là của các nền tảng xuyên biên giới.

Đáng chú ý, trong đầu năm 2023, Bộ TT&TT sẽ đưa ra danh sách “trắng” và “đen” đối với hoạt động quảng cáo trên mạng. Theo đó, danh sách “trắng” sẽ bao gồm các báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó là các website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung… đã được đăng ký với Bộ TT&TT. Đây sẽ là những địa chỉ được khuyến khích các thương hiệu đặt quảng cáo.

Còn với danh sách “đen”, tại đây sẽ lưu chữ các webiste, tài khoản mạng xã hội, thương hiệu… vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, có nội dung phản cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Từ đó yêu cầu DN không hợp tác quảng cáo với những địa chỉ này.

Nói về lĩnh vực quảng cáo trên mạng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, quan điểm chung của Việt Nam là ủng hộ việc quảng cáo trên các nền tảng số, kể cả của thương hiệu trong và ngoài nước nhưng phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Bộ TT&TT sẽ đối xử bình đẳng với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là trong khâu xử lý vi phạm. Tuy nhiên, nếu các nền tảng này không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì sẽ không được hoạt động tại Việt Nam.

Các DN quảng cáo, các nhãn hàng quảng cáo càng lớn càng phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam. Điều này không chỉ giữ uy tín cho thương hiệu mà còn tạo ra môi trường mạng lành mạnh cho người dùng trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

 

"Các nền tảng xuyên biên giới có công nghệ hiện đại, lượng người dùng lớn. Mặc dù vậy, có hiện trạng là trên các nền tảng này tồn tại rất nhiều nội dung quảng cáo bẩn nhưng lại thu hút được nhiều người xem. Điều này dẫn tới rất nhiều hệ lụy. Do đó, bằng mọi cách phải chấm dứt các quảng cáo bẩn trên không gian mạng." - Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

"TP đã và đang đẩy mạnh việc kiểm soát các nội dung quảng cáo trên môi trường mạng. Năm 2022, Sở TT&TT Hà Nội đã ban hành 5 quyết định xử phạt 5 cá nhân vi phạm về quảng cáo qua mạng với số tiền 42 triệu đồng. Sở cũng lập danh sách 98 trang vi phạm pháp luật để Bộ TT&TT có biện pháp ngăn chặn." - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần