Nhà nông “làm ăn chắc như bắp”
Những ngày tháng chạp, đi trên đườn Quản Lộ Phụng Hiệp nối Cà Mau Hậu Giang, đến đoạn xã Mỹ 1, Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu sẽ thấy nơi đây đang tất bật thu hoạch vụ lúa, vụ màu đón xuân. Nhưng, phấn khởi nhất là những người trồng bắp ở đây, bởi được mùa bội thu, giá cả ổn định.
Chị Lâm Hồng Phương, ấp Mỹ 1 cho biết: “Vùng này trước kia chỉ trồng lúa, nhưng phèn nặng quanh năm thất bát. Có năm, một công ruộng (khoảng 1.000 m2) chỉ thu được vài bao lúa lép không đủ nuôi gà. Mấy năm gần đây mạnh dạn chuyển sang trồng bắp cuộc sống đã đổi thay. Nhờ có cây bắp, vợ chồng tôi không phải bỏ quê lên Bình Dương làm công nhân rồi.”
Vụ tết này, 1 công bắp thu được 3.000 đến 4.000 trái, giá bình quân 3.000đ/trái, mỗi công trừ chi phí xong cầm chắc lãi 10.000.000 đồng/công. Nhà có 4 công, mỗi năm làm 4 vụ, nên cầm chắc trăm triệu. Nhưng mừng hơn, bắp trồng ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết” – chị Phương phấn khởi nói.
Chị Trần Thị Chiến, nhà ở gần đó cho biết, gia đình đang chuẩn bị thu hoạch cho vụ tết, dự tính năng suất mỗi công bắp ước hơn 3.000 trái loại lớn, 1.000 trái nhỏ. 5 công bắp của gia đình kiếm được hơn 50.000.000 đồng ăn tết.
Không chỉ nhà nông vui mừng vì bắp được mùa, mà những lao động nông nhàn ở địa phương cũng có thu nhập theo trái bắp. “ Trúng vụ bắp, chủ rẫy bắp thuê lột vỏ để bán. Mỗi kg bắp lột được trả công 700 - 800 đồng, với một ngày lột được 200kg, cũng kiếm được khoảng 150.000 đồng tiền công. Nhờ đó vừa có việc làm lúc nông nhàn, lại trang trải thêm tiền chợ, điện, nước cho gia đình” - chị Nguyễn Thị Lam nhà ở ấp Vĩnh Mỹ 1 vui mừng kể.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, chị Ngô Ngọc Hân – cán bộ Nông nghiệp, Môi trường xã Vĩnh Phú Đông cho biết: “Toàn xã có diện tích trồng bắp hơn 20ha. Lúc đầu, bà con trồng tự phát nên hiệu quả mang lại chưa cao. Vài năm trở lại đây, xã Vĩnh Phú Đông hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con mua những giống bắp thuần chủng, có khả năng kháng được sâu bệnh, nên năng suất dần được nâng lên. Từ đó, mô hình trồng bắp lan rộng.”
“Bắp ở Vĩnh Phú Đông được công nhận ở là sản phẩm OCOP 3 sao. Không những vậy, người trồng ra được bao nhiều đều có thương lái đến mua hết. Đầu vào đầu ra đều đủ, cây bắp đang mở ra nhiều triển vọng để tạo mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho người nông dân” – chị Hân cho biết thêm.
“Hiện nay, sản phẩm OCOP bắp dẻo của Vĩnh Phú Đông đã có mặt trên thị trường trong nước. Năm 2024, trên cơ sở hệ thống nguồn nước và đầu ra sản phẩm ổn định như hiện nay, xã sẽ điều chỉnh tăng diện tích trồng bắp từ 20ha như hiên nay lên 34ha để tăng thu nhập cho người nông dân” – anh Nguyễn Văn Khương Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông chia sẻ.
Nông nhàn làm “du lịch mini”
Lượng xe trên Quản Lộ Phụng Hiệp đi từ Cần Thơ, Hậu Giang về Cà Mau chỉ hơn 100km, không nhiều xe như tuyến Quốc lộ 1, nhưng cánh tài xế đi ngang Vĩnh Phú Đông hầu như đều dừng chân ở “xóm bắp.”
Một trái bắp thơm dẻo luộc chín, giá chỉ 5.000 - 7.000 đồng/trái, nhưng có thể đồng hành cánh tài xế trên đường dài chống cơn buồn ngủ. Hoặc mua chục trái bắp thơm lừng chỉ vài chục ngàn, đủ để làm quà cho người thân.
Ô tô khách, ô tô gia đình, xe máy… đi ngang đây đều không cưỡng lại được sức hấp dẫn của trái bắp dẻo ngọt ở “xóm bắp.” Cả một đoạn dài ven đường, có gần 100 điểm bán bắp đã luộc chín. Khách dừng xe thuận tiện vì các điểm bán cách nhau từ vài chục đến vài trăm m. Thưởng thức trái bắp ngon, nghỉ ngơi, uống ly nước rồi đi tiếp. Cứ vậy, đoạn đường “xóm bắp” bỗng dưng trở thành một điểm du lịch “bất đắc dĩ” dễ thương. Nhưng, lại đã giải quyết được công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, khá giả cho hàng trăm hộ dân nơi đây.
Ông Châu Văn Dũng, 65 nhà ở ấp Mỹ 1 cho biết, có 10 công đất nhưng con cái đều đi làm việc ở xa, không có sức để làm rẫy. Số đất đó vợ chồng ông cho thuê trồng bắp, rồi mua lại bắp để luộc bán. Mở thêm cái quán nước nhỏ vài bàn khách, vậy mà đều đều mỗi ngày bán cũng được 200-300 trái bắp. Với mỗi trái bắp lời 2.000 đồng, kèm theo bán nước uống, mỗi ngày hai vợ chồng kiếm được 600.000 – 700.000 đồng. “Tưởng vợ chồng già hết tuổi lao động, nhưng làm chơi ăn thiệt, tính ra tụi tui thu nhập cao hơn lương của mấy đúa con đang làm việc nhà nước” – bà Lê Thị Lương, 60 tuổi - vợ ông Châu Văn Dũng phụ họa vào câu chuyện cây bắp đang rôm rả.
Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Văn Liêm Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết: “Khi mới chuyển đổi sang trồng bắp còn gặp nhiều khó khăn. Huyện đã chủ trương hỗ trợ bà con 50% cây giống, hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng vi sinh, tăng cường cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư trạm bơm đảm bảo tưới tiêu. Huyện cũng thành lập hợp tác xã để lo đầu ra ổn định cho trái bắp nên bà con nông dân an tâm canh tác có hiệu quả.”
“Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trồng theo hướng luân canh, trong đó có trồng bắp, dưa hấu ở những nơi có điều kiện. Đồng thời đẩy mạnh liên kết, bao tiêu sản phẩm đảm bảo đầu ra nông sản cho bà con nông dân” – ông Liêm cho biết thêm.