Được thiết kế để trở thành một trong những sân bay lớn nhất thế giới, cảng hàng không Maktoum dự tính có sức chứa hơn 250 triệu hành khách mỗi năm. Sân bay này được kỳ vọng trở thành một siêu trung tâm trị giá 36 tỷ USD, cho phép hãng hàng không Emirates có trụ sở tại Dubai củng cố vị thế là hãng vận tải đường dài số 1 thế giới.
Chính quyền TP Dubai sau đó xác nhận với Bloomberg rằng họ đang xem xét lại kế hoạch dài hạn của mình, một mặt là nhằm mục đích đảm bảo sự phát triển có thể tận dụng tối đa các công nghệ mới nổi, đồng thời đáp ứng xu hướng và sở thích của người tiêu dùng và tối ưu hóa đầu tư.
Tuy nhiên theo nguồn tin của Bloomberg, nguồn tài chính mở rộng bị đóng băng mới là lý do thực sự của sự trì hoãn này. Năm ngoái, nền kinh tế của Dubai đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2010, khi trung tâm thương mại chính của vùng Vịnh đã phải vật lộn với sự sụp đổ từ căng thẳng địa chính trị và giá dầu thấp.
Du lịch đã bị đình trệ kể từ năm 2017, trong khi Emirates Airlines loay hoay nghiên cứu cách tốt nhất để phát triển chiến lược của mình. DN này đang ngày một khó khăn hơn trong việc bổ sung các tuyến mới có lợi nhuận và đang cơ cấu lại các đội bay của mình do việc hủy bỏ máy bay phản lực siêu khổng lồ Airbus SE A380.
Từ lâu đã khiến thế giới choáng váng với những tòa tháp sang trọng lấp lánh trên sa mạc, Dubai như đã qua thời điểm tăng trưởng bùng nổ để bước vào thời kỳ suy giảm theo đúng chu kỳ. Thế nhưng những gì đang diễn ra lại được mô tả đầy đau thương, là một sự "chảy máu dần dần".
Cũng theo một báo cáo năm 2018 của Bloomberg, nhiều tòa nhà biểu tượng của Dubai vẫn tiếp tục được triển khai, khi người ta có thể nhìn thấy cần cẩu ở khắp nơi, nhưng không ai còn dám chắc sẽ tới mua sắm hay sử dụng các không gian bán lẻ cũng như văn phòng ở đó. Những trung tâm mua sắm với hàng loạt cửa hiệu và nhà hàng tại Dubai giờ đang thưa vắng dần.