Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xu hướng đi chợ không cần tiền mặt ngày càng phổ biến

Thành Luân - Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi chợ thời nay không cần mang ví, túi, chỉ cần mang 1 chiếc điện thoại đã có thể mua sắm thoải thích. Thậm chí có những món đồ giá chỉ dưới 10.000 đồng cũng có thể quét mã, chuyển khoản.

1.000 đồng cũng có thể chuyển khoản

Tại chợ Vĩnh Hồ (quận Đống Đa, TP Hà Nội) trên 90% các tiểu thương treo bảng in mã QR ở sạp hàng, chấp nhận chuyển khoản thay vì đưa tiền mặt như trước kia.

Nhiều tiểu thương chia sẻ, thời điểm hiện tại, ai làm nghề buôn bán, kinh doanh đều có tài khoản ngân hàng để khách hàng thuận tiện thanh toán. Khi đi chợ khách hàng chỉ cần mang điện thoại, đến cửa hàng mua thứ cần thiết và giơ điện thoại “quẹt”.

Đi chợ thời nay không cần mang ví chỉ cần mang 1 chiếc điện thoại đã có thể mua sắm thoả thích.
Đi chợ thời nay không cần mang ví chỉ cần mang 1 chiếc điện thoại đã có thể mua sắm thoả thích.

Để thuận tiện hơn, tại các gian hàng thường có 2 - 3 tài khoản của những ngân hàng khác nhau, như MB, Sacombank, Vietcombank, BIDV, Techcombank… để khách hàng có thể chuyển khoản mà không mất phí dịch vụ.

Chị Lâm Thị Gấm - tiểu thương chuyên buôn bán hải sản ở chợ Vĩnh Hồ cho hay, tại đây khách mua vài nghìn đồng cũng có thể chuyển khoản, nhất là các bạn trẻ sử dụng ví điện tử như Momo, VNpay, ZaloPay… thậm chí đến cái kẹo cao su giá 1 nghìn đồng cũng có thể chuyển khoản.

“Chỉ cần đưa cho khách bảng in mã QR ngân hàng phù hợp để thanh toán tiền hàng, cực kỳ tiện lợi khi đang đông khách. Nếu không có hình thức này họ sẽ sang hàng khác mua, vì lo phải đợi xếp hàng trả tiền. Đồng thời tránh nhầm lẫn giữa lúc nhận và trả tiền khi đông khách” - chị Gấm nói.

Còn với người mua hàng, chị Nguyễn Thanh Hà (40 tuổi, trú tại phường Tây Sơn, quận Đống Đa) cho biết, hiện tại đi chợ rất tiện khi đã có mã QR ở khắp các cửa hàng. Trước đây chị phải mang ví hoặc túi đi chợ, khi rút tiền mặt ra rất mất thời gian.

“Khi mua 1 chai nước 10 nghìn đồng cũng có thể quét mã QR để chuyển tiền, thậm chí có những món chỉ vài nghìn đồng cũng có thể quét mã QR (hoặc chuyển khoản). Việc không đem theo tiền mặt khi đi chợ mang lại khá nhiều lợi ích như không sợ rơi mất tiền, tránh được cướp giật” – chị Hà chia sẻ.

Còn với chị Nguyễn Hồng Hạnh (trú tại Trúc Bạch, quận Ba Đình) chia sẻ, từ khi các tiểu thương tại chợ Châu Long treo những mã QR, việc đi chợ của chị đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

"Tôi đi chợ hàng ngày chỉ cần mang điện thoại có mạng internet, việc sử dụng mã QR dễ thanh toán, thuận tiện hơn. Trước đây khi mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều đi chợ tôi thường hay phải rút tiền rất mất thời gian" - chị Hạnh cho biết.

Xu hướng tất yếu

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, nhờ có các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng có tốc độ phát triển rất nhanh. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ giao dịch trên kênh số chiếm đến 94-97%, đặc biệt trong trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Theo Nghiên cứu của Visa về “Thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2022”, việc sử dụng tiền mặt ở Việt Nam đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, 89% số người tiêu dung sử dụng ví điện tử, 85% ưa chuộng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, chủ yếu cho thanh toán trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc. Trên thực tế, theo dữ liệu từ mạng lưới VisaNet, số lượng giao dịch không tiếp xúc trên thẻ Visa tại Việt Nam trong năm 2022 đã tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2021.

Tiểu thương buôn bán tại chợ Vĩnh Hồ treo bảng in mã quét QR.
Tiểu thương buôn bán tại chợ Vĩnh Hồ treo bảng in mã quét QR.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước dự báo, giá trị thanh toán di động tại Việt Nam dự kiến lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022, thanh toán số tại Việt Nam dự kiến đạt 143 tỷ USD tổng giá trị giao dịch vào năm 2025.

Nhìn nhận về vấn đề này, thạc sỹ luật Lê Sơn Tùng chia sẻ, thanh toán không tiền mặt là xu hướng tất yếu và đặc biệt sẽ “bùng nổ” trong vài năm tới khi dân số đang trẻ hoá, tiếp xúc nhanh với khoa học công nghệ, đồng thời các khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế trong ngành nhìn nhận việc thanh toán không dùng tiền mặt mới phổ biết tại các TP. Khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa chậm phát triển hơn, cần có giải pháp thúc đẩy: nâng cấp hạ tầng, nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho người dân để thay đổi thói quen dùng tiền mặt.

 

Trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.