Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Xu hướng] Một số mô hình chuyển đổi số trên thế giới và khu vực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, các quốc gia trên thế giới đều nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo ra những sản phẩm công nghệ số phòng, chống Covid-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới.

Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy thiết kế và nội dung chính sách ở cả tầm vĩ mô và vi mô.
Câu chuyện ở Nhật Bản

Ông Okuda Naohiko - Cục Quản lý hành chính, Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết: “Việc đối phó với dịch Covid-19 đã làm nổi lên nhiều vấn đề liên quan đến chuyển đổi số tại Nhật Bản như: “Chậm trễ chuyển đổi số và chính quyền, DN thiếu nhân lực; quản lý hành chính kém hiệu quả do kết nối hệ thống không đầy đủ; thủ tục hành chính phức tạp và sự chi trả chậm trễ; sự suy giảm dịch vụ đối với người dân, sự chuyển đổi số tại DN và xã hội”.

Điều đó đặt vấn đề chuyển đổi số tại Nhật Bản là làm thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong thiên tai, tình hình dịch bệnh. Để giải quyết một cách cơ bản vấn đề trên, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cải cách quy chế một cách toàn diện, xóa bỏ quản lý hành chính theo chiều dọc. "Một sự đột phá là thành lập Cục Kỹ thuật số (Digital Agency), dự kiến sẽ được thành lập vào tháng 9/2021" - ông Okuda Naohiko cho biết.
 Các kỹ sư công nghệ thông tin của Nhật trong một phòng nghiên cứu số hóa Robot văn phòng.
Cục Kỹ thuật số là đầu mối để thúc đẩy chuyển đổi số tại Nhật Bản, đóng vai trò trọng trách về chính phủ số trong thời gian tới. Đây là tổ chức dẫn đầu quá trình chuyển đổi số trong toàn xã hội tại Nhật Bản, dự kiến quá trình này sẽ mất khoảng 2 năm.

Ông Okuda Naohiko cho biết, chuyển đổi số thân thiện với con người là mục tiêu của Nhật Bản trong quá trình chuyển đổi số tại nước này, đồng thời đưa ra 10 nguyên tắc cơ bản trong định hướng tới xã hội số: Mở/Minh bạch, Công bằng/Đạo lý, An toàn/An tâm, Liên tục/Ổn định/Tăng cường, Giải quyết các vấn đề xã hội; Nhanh chóng/Linh hoạt; Bao trùm/Đa dạng, Sự xâm nhập vào cuộc sống, Tạo ra giá trị mới; Sự nhảy vọt/Đóng góp cho cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh đó, năm 2010, Viện Nghiên cứu của tập đoàn NTT phát triển WinActor – một công cụ RPA của Nhật Bản cho phép thao tác tự động trên hầu hết các ứng dụng chạy trên Windows như Excel, Word, Outlook, browser, BPM… cho đến các hệ thống nghiệp vụ. Công cụ này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong công việc văn phòng, từ đó mở ra cánh cửa để “cải cách phương thức làm việc”.

Ông Naritoshi Masuda, CEO NTT DATA Việt Nam cho biết: “WinActor, một giải pháp RPA (Robotic Process Automation) do Tập đoàn NTT Nhật Bản nghiên cứu và phát triển, đã giành được thị phần hàng đầu tại thị trường Nhật Bản 5 năm liên tiếp kể từ năm 2016.

Và chúng tôi gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2017, WinActor sẽ là một trong những giải pháp trong Chuyển đổi kỹ thuật số (DX) giúp các DN thúc đẩy quá trình số hóa và tự động hóa để cải thiện khả năng cạnh tranh và trải nghiệm của khách hàng.”

Trong tương lai, nếu như RPA có thể thao tác trên các hệ thống trang bị AI hoặc chính RPA có chức năng AI, RPA có thể thực hiện những công việc phức tạp và cao cấp hơn. Năm 2025, 1/3 khối lượng công việc của nhân viên văn phòng sẽ được RPA thực hiện, công cụ này sẽ trở thành con át chủ bài trong cách mạng chuyển đổi số.

Hình mẫu Thái Lan

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan được xem như là một hình mẫu chuyển đổi số cả về tiến độ lẫn cách làm. Thái Lan đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi số 5 năm (2017 - 2022). Chính quyền nước này đã đưa ra kế hoạch đầy tham vọng là chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống công quyền, từ quản lý công cho đến hỗ trợ du lịch, cảnh báo thảm họa thiên nhiên và nâng cao hiệu quả của nông nghiệp. Đây là kế hoạch rất trọng tâm, đầy tham vọng và được cho là phù hợp với quốc gia này.

Không phải ngẫu nhiên mà bước đi đầu tiên trên hành trình chuyển đổi số của Thái Lan là thực hiện chiến lược phát triển chính phủ điện tử 4.0, nhằm hiện thực hóa 4 nội dung chính đã được Cục Chính phủ Điện tử (EGA) đưa ra trong Kế hoạch Phát triển chính phủ số. Thái Lan xác định cần sớm: 1. Xây dựng Chính phủ tích hợp, bao gồm việc tích hợp thông tin và điều hành giữa các cơ quan nhà nước với nhau, hướng tới mục tiêu thiết lập dịch vụ chia sẻ hiệu quả theo một quan điểm chính phủ của công dân. 2. Điều hành thông minh, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các công nghệ liên quan, thông qua Big Data và Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) để hỗ trợ công việc cho công chức. 3. Lấy người dân làm trung tâm của việc cung cấp dịch vụ, nhằm cung cấp các dịch vụ dựa trên nhu cầu của từng công dân. 4. Thúc đẩy chuyển đổi, tập trung vào thay đổi tổ chức thông qua nhiều khía cạnh, có chiến lược phát triển cụ thể và được thực hiện bởi EGA, bao gồm nguồn nhân lực, quy trình làm việc, công nghệ và luật pháp.

Bộ Kinh tế số và Xã hội, EGA nắm giữ vị trí chủ chốt trong các vấn đề tích hợp cơ sở hạ tầng, dữ liệu và các nỗ lực số hóa của Chính phủ Thái Lan. Bộ Khoa học và Công nghệ quốc gia Thái Lan hỗ trợ cổng thông tin “Farmer One”, cung cấp các quy trình sản xuất nông nghiệp cho các DN như: Đăng ký trồng trọt, liên hệ nguồn nguyên liệu đầu vào, tư vấn tình hình giá bán của từng loại nông phẩm…

Thái Lan xây dựng cổng DN “Biz Portal” để giảm chi phí của các DN trong việc cấp phép kinh doanh, khai báo tình hình nhân sự, giấy phép, bảo hiểm, hay đăng ký giấy phép xây dựng, gửi yêu cầu đấu nối điện và nước… Để giải quyết vấn đề nhân lực cho khối công quyền, Thái Lan đã thành lập Học viện chuyển đổi số - nơi chuyên đào tạo kiến thức công nghệ cho các công chức nhà nước. Ngoài ra, EGA cũng hướng đến cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ công và tăng sự hài lòng của người dân đối với các chương trình của chính phủ.

4 mũi nhọn chuyển đổi số của Malaysia

Mỗi quốc gia có những chiến lược chuyển đổi số khác nhau, mục tiêu khác nhau. Chính phủ Malaysia hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ côn g cuộc chuyển đổi số với bốn mũi nhọn chính: Công nghiệp 4.0, du lịch thông minh, giáo dục thông minh và thành phố an toàn. Đây được coi là chìa khóa chính để Malaysia đẩy nhanh phát triển, hướng tới mục tiêu lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2050.

Malaysia xây dựng bốn mục tiêu quốc gia: Tăng hiệu quả lao động; Tăng đầu tư đóng góp cho GDP; Nâng cao năng lực đổi mới; Có nhiều nguồn nhân lực với kỹ năng cao hơn. Để đạt được những mục tiêu này, Malaysia đang đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn nhân lực liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và tăng cường các giải pháp để tiếp xúc với công nghệ nhanh hơn và đúng hơn, tạo nên một nền công nghiệp cao cấp và phát triển hơn.

Chuyển đổi số là xu thế chung của toàn cầu. Công ty Nghiên cứu McKensey nhận định, khoảng 4 năm tới (năm 2025), mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, nếu hoàn thành chuyển đổi số đúng kế hoạch, năm 2030 GDP của chúng ta sẽ tăng 100 tỷ USD.

"Ngoài RPA thì NTT DATA Vietnam muốn tiếp cận Hà Nội và Chính phủ Việt Nam để cùng giới thiệu về các giải pháp về CNTT thông tin mới, thúc đẩy chính phủ điện tử và đô thị thông minh." - CEO NTT DATA Vietnam Naritoshi Masuda

Thạc sĩ Trịnh Hương, Viện ứng dụng Công nghệ Việt Nam (Bộ KH&CN)