Xu hướng nào cho dòng vốn đầu tư?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán (TTCK) khởi sắc, giá vàng liên tục lập đỉnh, tỷ giá biến động, tiết kiệm an toàn, thị trường bất động sản (BĐS) nhiều “hàng” ở tất cả các phân khúc…

Đó là diễn biến khá lạc quan của các kênh đầu tư tại Việt Nam trong tháng đầu năm mới Đinh Dậu. Tuy nhiên, năm 2017, người dân nên đầu tư vào đâu, kênh nào có khả năng sinh lời vẫn đang là câu chuyện được nhiều nhà đầu tư (NĐT) và giới chuyên gia quan tâm.

Cẩn thận với vàng

Chưa đầy một tháng từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng đã liên tục chinh phục nhiều đỉnh cao. Ngày 16/2, giá vàng đã lấy lại mốc 37 triệu đồng/lượng. Đến thời điểm cuối ngày, giá vàng SJC mua vào - bán ra ở mức 36,8 - 37,02 triệu đồng/lượng. Trước đó, trong tuần giao dịch đầu năm mới Đinh Dậu, giá vàng SJC đã có lúc chinh phục đỉnh 37,05 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng cao, tuy nhiên, ngoài ngày Lễ Thần tài (mồng 10/1 âm lịch), giao dịch mua bán tại các DN kinh doanh vàng vẫn rất chậm. Tham gia thị trường chủ yếu là người dân mua một vài chỉ tích trữ, vàng bỏ ống hoặc các NĐT nhỏ lẻ là chính.
 Khách hàng tìm hiểu thông tin mua bán một dự án bất động sản ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo các chuyên gia kinh tế, người dân và NĐT nên cẩn trọng khi đầu tư vào vàng, vì giá kim loại quý này trong năm 2017 vẫn chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều rủi ro từ những chính sách điều hành của các nền kinh tế lớn như Mỹ. Khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD là rất cao do nền kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. Lãi suất USD tăng sẽ khiến kênh đầu tư này thêm hấp dẫn. Vì thế, NĐT sẽ “quay mặt làm ngơ” với vàng khiến giá kim loại quý này sụt giảm.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, so với giá thế giới, giá vàng trong nước vẫn giữ khoảng cách xa. Ngày 16/2, giá vàng thế giới quy đổi là 33,96 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá trong nước gần 3,1 triệu đồng/lượng. “Giá vàng Việt Nam đang giữ ở mức đỉnh cao so với thế giới. Vì thế, đầu tư vào vàng là rất rủi ro”- ông Hiếu đánh giá.

Chứng khoán lên đỉnh có hấp dẫn đầu tư?

Từ đầu năm 2017 đến nay, VN Index liên tục lập đỉnh, từ mốc 700 điểm trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Đinh Dậu, đến nay, VN Index đã vượt 710 điểm. Việc các chỉ số thị trường tăng liên tục từ đầu năm 2017 đến nay đã khiến nhiều người kỳ vọng, chứng khoán sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2017. Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số VN Index liên tục lập đỉnh là dấu hiệu tốt của TTCK. Tuy nhiên, năm 2017, dòng tiền sẽ phân hóa và NĐT chỉ đổ tiền vào các DN quản trị tốt, có tiềm lực tài chính thực sự. TS Lê Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime cho rằng, năm 2017, đầu tư chứng khoán áp dụng với NĐT kiên nhẫn có tầm nhìn: “Ưu tiên của tôi là những cổ phiếu vốn hóa trung bình của những nhóm tăng trưởng có chu kỳ như thép, cao su tự nhiên; về giá trị ưu tiên dầu khí…, cơ hội nửa đầu 2017 sẽ rất lớn”.
 Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Quốc dân chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Ông Lê Tiến Đông - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Artex cho biết thêm, năm vừa qua, cổ phiếu thép mang về cho NĐT khoản lợi nhuận tăng 88%, cao nhất trong các nhóm. Giá thép đã tăng khoảng 30%, trong khi lượng sản xuất cũng tăng mạnh, được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành BĐS. Ngoài thép, ông Đông cho rằng, ngành hóa chất, dầu khí cũng là những ngành có triển vọng tốt. Giá dầu thô đã tăng 40% so với đầu năm nhưng cổ phiếu thì chưa tăng giá nhiều, nguyên nhân là do ngành này đang gặp một số vấn đề về tổ chức. Tuy nhiên, khi hoàn thành quá trình này, cổ phiếu sẽ tăng tốt. Ngoài ra, cổ phiếu BĐS cũng rất đáng chú ý bởi đã có 2 năm tăng trưởng ổn định với lợi nhuận khoảng 10% cho NĐT.

Bỏ trứng vào nhiều giỏ

Đó là lời khuyên của Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

  Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải

Theo quan điểm cá nhân, ông sẽ lựa chọn kênh đầu tư nào trong năm 2017?

- Cá nhân tôi cho rằng, năm 2017 là năm của đầu tư giá trị. Vàng đang ở đỉnh cao, chênh lệch giá so với thế giới nới rộng, rủi ro vì những biến động kinh tế thế giới lớn…, vì thế đây là kênh mà khả năng sinh lời sẽ thấp.

Còn đầu tư chứng khoán thì tôi nhắm vào các DN có tiềm lực tài chính, có thể nhỏ nhưng quả trị tốt, làm thật, ăn thật… Tiết kiệm vẫn là kênh khá nhất trong thời điểm hiện nay. Tỷ giá có biến động nhưng trong tầm kiểm soát. Vì thế, giá trị tiền đồng không ảnh hưởng nhiều.

Với BĐS, tôi sẽ chọn phân khúc bình dân vì nhu cầu vẫn còn và có khả năng sinh lời.

Vậy, ông có lời khuyên nào cho các NĐT trong năm 2017?

- Tùy vào khẩu vị rủi ro, mỗi NĐT sẽ quyết định một kênh “gửi tiền” riêng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nên “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, vừa đảm bảo an toàn, vừa có thể để đồng tiền sinh lời.

Xin cảm ơn ông!

Năm 2017, sự ổn định của tình hình kinh tế vĩ mô sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN tốt hơn. Các quy định mới buộc các DN phải niêm yết sau cổ phần hóa, số lượng DN Nhà nước cổ phần hóa cũng sẽ cung cấp cho NĐT thêm nhiều cơ hội lựa chọn.

Tiết kiệm an toàn, bất động sản bão hòa

Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định và có xu hướng tăng khoảng 0,5%. Vì thế, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán vẫn nhiều rủi ro thì tiết kiệm được coi là kênh an toàn cho những người có vốn “mỏng”. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, đối với những người không có kiến thức chuyên sâu về đầu tư, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 6 - 7%/năm là mức lợi nhuận tốt và an toàn, đặc biệt những món tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, dù không mang lại các giá trị gia tăng khác.

Cùng chung quan điểm này, TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định: Năm 2017, môi trường quốc tế đang có sự thay đổi mạnh mẽ, tình hình kinh tế sẽ khó ổn định. “Các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, ngoại tệ và BĐS… chỉ dành cho những NĐT lớn, sẵn sàng “mạo hiểm” hoặc phải thật sự am hiểu thị trường” - ông Long cho biết.

Về BĐS, thời gian qua, các DN tập trung đầu tư rất nhiều phân khúc từ cao cấp, trung cấp đến bình dân. Số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, chỉ số giá giao dịch BĐS là căn hộ chung cư quý IV/2016 đã giảm nhiều so với tỷ lệ 100% của thời điểm quý I/2011. Cụ thể, chỉ số này tại các quận của Hà Nội chỉ dao động từ 74,47% - 97%.

Năm của dòng tiền thông minh

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho hay, năm 2017 sẽ là một năm nhiều biến động và thử thách cho các thị trường mới nổi bao gồm cả Việt Nam. Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường kỳ vọng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nếu chính quyền mới của nước này thực hiện cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Vì thế, khả năng FED tăng lãi suất là rất lớn. Đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền của các thị trường mới nổi do kỳ vọng FED tăng lãi suất. Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắn chắn nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính thế giới sẽ gặp nhiều biến động vì sẽ phải đương đầu với rủi ro khó kiểm soát, rủi ro chính trị.

Dự báo được điều này, NĐT sẽ có lựa chọn tốt nhất cho mình. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, năm 2017 là năm của dòng tiền thông minh, chọn các kênh đầu tư giá trị. Cụ thể, BĐS có thể chọn phân khúc bình dân, vì nhu cầu phân khúc này vẫn cao, giá cả vừa phải và còn có khả năng sinh lời. Với chứng khoán, các DN làm ăn tốt, quản trị rủi ro theo các thông lệ quốc tế cũng sẽ có thanh khoản cao.