[Xu hướng] Thực phẩm organic - xu hướng trở về với thiên nhiên

Nguyễn Quý An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Organic foods (thực phẩm hữu cơ) được nhiều người lựa chọn từ 2 thập kỷ vừa qua, và vẫn đang tiếp tục được nhiều người yêu thích hơn.

Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều nông trại hữu cơ, trồng và cung cấp thực phẩm cho người dân tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, chi phí để mua các loại thực phẩm này khá cao nên không phải ai cũng có khả năng mua.
Năm 2018, tại Mỹ doanh thu từ các mặt hàng hữu cơ đạt mức kỷ lục 52,5 tỷ đô la, tăng 6,3% so với năm trước, theo Khảo sát Công nghiệp Hữu cơ 2019 do Hiệp hội Thương mại Hữu cơ công bố. Những sản phẩm hữu cơ ngày càng được ưa chuộng bởi, một số người cho rằng chúng an toàn, tốt cho sức khỏe; một số khác thì cho rằng sản phẩm hữu cơ giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của trái đất. Dù vì lý do gì, rõ ràng sản phẩm hữu cơ là tốt cho cả con người và môi trường.
Thực phẩm hữu cơ là gì?
Thuật ngữ "hữu cơ" dùng để chỉ quá trình sản xuất một số loại thực phẩm nhất định, được trồng hoặc nuôi mà không sử dụng hóa chất nhân tạo, hormone, kháng sinh hoặc sinh vật biến đổi gen. Để được dán nhãn hữu cơ, sản phẩm thực phẩm phải không có phụ gia thực phẩm nhân tạo, bao gồm chất làm ngọt nhân tạo, chất bảo quản, chất tạo màu, hương liệu và bột ngọt (MSG).
 Ảnh minh họa.
Cây trồng hữu cơ có xu hướng sử dụng phân bón tự nhiên như phân được ủ từ thực vật, phân động vật để cải thiện sự tăng trưởng của cây. Đất canh tác hữu cơ có xu hướng giúp cải thiện chất lượng đất và bảo tồn nước ngầm, làm giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Động vật được nuôi hữu cơ cũng không được dùng kháng sinh hoặc thức ăn có chứa hormone tăng trưởng.
Các loại thực phẩm hữu cơ được mua nhiều nhất là trái cây, rau, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa và thịt. Ngày nay cũng có nhiều sản phẩm hữu cơ chế biến sẵn, chẳng hạn như soda, bánh quy và ngũ cốc ăn sáng.
Lợi ích của thực phẩm hữu cơ đối với sức khỏe
Thực phẩm hữu cơ không chỉ là xu hướng, mà còn là lựa chọn trở về với cuộc sống tự nhiên, với những gì thuần túy và an toàn nhất.
Nhiều dinh dưỡng: Thực phẩm hữu cơ không chứa hóa chất gây hại cho sức khỏe. Chất dinh dưỡng được đảm bảo để cơ thể được hấp thu trọn vẹn.
Giảm nguy cơ mắc bệnh: Thực phẩm hữu cơ chứa chất chống oxy hóa nhiều hơn 40% so với các sản phẩm phi hữu cơ, giúp giảm nguy cơ bệnh tim, ung thư, lượng đường trong máu cao…
Tránh sinh vật biến đổi gen GMO: Trong các loại thực phẩm hữu cơ, GMO không được sử dụng.
Hương vị thơm ngon: Do được ươm trồng theo phương thức tự nhiên, không có hóa chất, rau củ quả và thịt cá hữu cơ luôn giữ được hương vị riêng, tạo nên những bữa ăn ngon cho gia đình.
Tốt cho môi trường: Ngoài lợi ích sức khỏe và dinh dưỡng, việc sử dụng thực phẩm hữu cơ còn giúp cho đất, nước, không khí sẽ không bị ô nhiễm, tăng khả năng sinh sản của các sinh vật và tiêu thụ ít năng lượng.
Trong thực tế, có không nhiều bằng chứng để chứng minh rằng thực phẩm hữu cơ thật sự tốt hơn những loại thực phẩm khác, tuy nhiên một loại thực phẩm không chứa những chất hóa học trong quá trình nuôi dưỡng vẫn tốt hơn.
Sản xuất thực phẩm hữu cơ và các loại thực phẩm khác
Tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm organic (có chứng nhận hữu cơ - organic): Thực phẩm được sản xuất không sử dụng các vật liệu đầu vào hóa học. Giống sử dụng phải được chứng nhận hữu cơ và không biến đổi gen (GMO), được khuyến khích sử dụng rất nhiều các biện pháp đấu tranh sinh học với sâu bệnh, đa dạng sinh học, tôn tạo môi trường và giữ gìn cân bằng sinh thái.
Hiện nay, trên toàn thế giới mỗi nước đều có chứng nhận hữu cơ của nước sở tại, ngoài ra còn có những chứng nhận quốc tế như chứng nhận BIO của EU được áp dụng cho châu Âu, USDA/Organic cho các nước châu Mỹ, JAS chứng nhận hữu cơ của Nhật.
Sản xuất thực phẩm hữu cơ khác với 3 tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm dưới đây đều sử dụng hóa học: Sản xuất truyền thống, sản xuất an toàn, tiêu chuẩn GAP.
Sản xuất truyền thống (traditional): Không có chứng nhận, là một kiểu sản xuất đại trà từ lâu nay ở Việt Nam. Trong quá trình sản xuất người nông dân có thể sử dụng bất cứ những nguyên vật liệu đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng và tất cả những phương tiện hóa học nhằm nâng cao năng suất.
Ngoài ra, với mô hình sản xuất này không chứng minh được dư lượng hóa học trong sản phẩm, việc ô nhiễm môi trường sẽ tác động đến sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Người tiêu dùng tại các thành phố lớn đang dần từ chối không sử dụng các nguồn thực phẩm sản xuất truyền thống vì muốn bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Tiêu chuẩn sản xuất an toàn (conventional):
Cách đây 20 năm, Việt Nam bắt đầu khuyến khích người sản xuất đi theo hướng an toàn khi đối diện với việc ô nhiễm môi trường, gia tăng ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng. Sản xuất an toàn được dựa trên tiêu chuẩn TCVN, cơ bản là dựa vào tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới WHO, tổ chức lương nông thế giới FAO tiêu chuẩn được dựa trên 4 dư lượng không được vượt mức cho phép (mg/kg) sản phẩm cho từng loại cây: Dư lượng Nitrat NO3; Dư lượng về kim loại nặng ( Cu, Fe, Hg, Pb, As...); Dư lượng về nông dược thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học được sử dụng trong quá trình canh tác; Dư lượng vi sinh vật gây bệnh đường ruột: Ecoli, Salmonella, Colifrom...; Các quy định dư lượng này thông thường xuất phát từ môi trường ô nhiễm đất, nước, không khí...
Tuy nhiên, cũng ngay ở tiêu chuẩn an toàn việc truy nguyên nguồn gốc vẫn không được thực hiện nên khi có trường hợp ngộ độc sản phẩm từ đâu ra có chứa những chất độc gì để cứu người bị ngộ độc, thu hồi sản phẩm nhanh để chặn đứng việc ngộ độc. Từ đó tổ chức sản xuất phải áp dụng một chứng nhận mới được gọi là GAP.
Tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm tiêu chuẩn GAP (Good Agriculture Practice): Đây là phương thức sản xuất có khống chế, có tiêu chuẩn, có kiểm soát về mặt sử dụng các vật liệu hóa học (vô cơ) đầu vào để ngăn ngừa việc để lại ô nhiễm môi trường đất nước không khí, tồn dư dư lượng hóa học trong sản phẩm gây tổn thương sức khỏe của người tiêu dùng lẫn người sản xuất.
Trên thực tế chứng nhận GAP bảo vệ được người tiêu dùng người sản xuất và môi trường. Hiện nay, tại Việt Nam có 2 chứng nhận GAP, VietGAP theo chứng nhận và tiêu chuẩn của Việt Nam và chỉ có giá trị sử dụng trong nước và một số nước chấp nhận VietGAP, còn riêng xuất khẩu qua nước ngoài thì phải chứng nhận GlobalGAP.
Thông qua phương thức sản xuất, rõ ràng thực phẩm hữu cơ vẫn là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe con người và thiên nhiên, tuy nhiên tại Việt Nam, ở các thành phố lớn sản phẩm GAP vẫn luôn được lựa chọn nhiều nhất vì an toàn và giá cả hợp lý, riêng ở các vùng nông thôn vẫn có thói quen nuôi trồng và sử dụng các sản phẩm sản xuất truyền thống.
Thực phẩm hữu cơ trở nên quen thuộc với các nước phương Tây và cũng là định hướng nông nghiệp tương lai mà họ đang hướng tới. Nhưng đối với Việt Nam vẫn còn khá mới, các cơ sở nuôi trồng chế biến thực phẩm đủ tiêu chuẩn hữu cơ chưa nhiều. Tuy nhiên, khi con người ngày càng chú trọng đến sức khỏe và môi trường thì chắc chắn mô hình nông trại hữu cơ sẽ ngày càng được nhân rộng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần