Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Xu hướng] Vì sao phải xây dựng chính phủ số?

Thạc sĩ Phạm Trung Thành - Viện Công nghệ WinIT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đã xác định chính phủ số là một trong ba mục trụ cột chính của công cuộc chuyển đổi số.

Trước hết, chính phủ số được hiểu một cách đơn giản nhất, đó là chính phủ ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của công nghệ thông tin - truyền thông để “số hóa”các thủ tục,“tự động hóa”các quy trình làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, quản lý của mình và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho công dân, DN.
Bước đi tất yếu

Trong quá trình đổi mới của đất nước, vấn đề cải cách hành chính trở thành một nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách. Để cải cách hành chính thành công, việc xây dựng chính phủ số phải được coi là một giải pháp cấp bách, một bước đi tất yếu, được coi là “điểm nút” của quá trình cải cách hành chính.

Việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin vào hoạt động của chính phủ là đặc điểm của chính phủ số, nhưng chính phủ số không đơn thuần chỉ là sự “tin học hóa”, “số hóa”. Kinh nghiệm xây dựng chính phủ số của các nước trên thế giới cho thấy đây phải là mục đích “tự thân” mà là để phục vụ cho các mục tiêu cải cách. Vì thế nó không thể tiến hành một cách đơn lẻ mà phải gắn nó với công cuộc cải cách hành chính.
 Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Chính phủ số trong quá trình thực hiện chức năng quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công thực hiện 4 loại giao dịch chính: Chính phủ với công dân (G2C); Chính phủ với DN (G2B); Chính phủ với các cơ quan trong chính phủ (G2G); Chính phủ với công chức, viên chức (G2E). Trong hoạt động của chính phủ số, cung cấp dịch vụ công số là một nhiệm vụ chủ chốt và nó được vận hành theo 4 mức độ sau đây.

Mức độ 1: Cổng thông tin số đưa ra các thông tin đầy đủ về quy trình thực hiện dịch vụ.

Mức độ 2: Cổng thông tin số cho phép người sử dụng tải các mẫu đơn, hồ sơ để in ra giấy hoặc điền vào các mẫu.

Mức độ 3: Cổng thông tin số cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại hồ sơ đó tới địa chỉ có trách nhiệm thụ lý hồ sơ.

Mức độ 4: Người sử dụng dịch vụ có thể thanh toán chi phí trực tuyến và việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện. Khi xây dựng chính phủ số, mức độ 3 và 4 phải đạt được nhận xét “hài lòng” của số đông người sử dụng mới được coi là thành công.

Giải quyết 4 vấn đề lớn

Trở lại câu hỏi mà nhiều bạn đọc boăn khoăn: Vì sao chúng ta phải tiến hành xây dựng chính phủ số? Chính phủ số sẽ giải quyết 4 vấn đề lớn của Việt Nam:

Một là, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong chế độ dân chủ, Nhân dân có quyền kiểm soát nhà nước nhưng muốn kiểm soát thì Nhân dân phải có thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Với khối lượng thông tin công khai, minh bạch do chính phủ số mang lại, người dân có điều kiện thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, kiểm tra của mình; đồng thời có thể tham gia phản biện, xây dựng chính sách, tố cáo các hành vi sai trái của đội ngũ cán bộ, công chức để Chính phủ hoạt động ngày càng tốt hơn.

Hai là, góp phần minh bạch hóa nền hành chính quốc gia, đây chính là đặc tính của nền hành chính hiện đại nên cải cách hành chính buộc phải hướng tới mục tiêu đó. Chính phủ số với việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, cho DN theo hướng công khai, minh bạch sẽ hạn chế sự phiền hà, sách nhiễu, các việc làm tiêu cực của cán bộ, công chức.

Ba là, góp phần tinh giản biên chế và nâng cao năng lực điều hành của chính phủ. Nếu chính phủ truyền thống như hiện nay việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, giấy tờ bằng con người thì chính phủ số, người dân và DN sẽ tương tác trực tiếp với người có thẩm quyền quyết định. Chính phủ số với các chương trình tự động đã được “mã hóa” sẽ nâng cao tốc độ xử lý văn bản, các số liệu cần tính toán nên năng suất lao động của cán bộ sẽ tăng lên nhiều lần so với cách làm thủ công trước đây. Chính phủ số cho phép thực hiện việc giao ban điện tử, họp trực tuyến, nên giảm được nạn giấy tờ, đi lại. Với những tiện ích đó, chi phí hoạt động của Chính phủ sẽ được giảm đi đáng kể mà năng lực quản lý của Chính phủ lại được nâng lên.

Bốn là, tạo tiền đề cho chính phủ truyền thống tiếp cận cuộc cách mạng 4.0, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động hành chính, dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Trong thời đại cách mạng 4.0, yêu cầu đặt ra không chỉ là xây dựng chính phủ số mà chính phủ số ấy phải có công nghệ tiên tiến nhất, đơn giản nhất, thuận tiện nhất, phổ biến nhất để người dân dễ dàng tiếp cận.

Vài giải pháp chính

Từ năm 1996, chương trình Chính phủ số tại Việt Nam đã được Việt Nam triển khai với tên gọi ban đầu là “Tin học hóa các hoạt động cơ quan nhà nước”. Nhưng cho đến nay, sau 25 năm triển khai, Việt Nam chúng ta vẫn chưa có chính phủ số đúng nghĩa như sự kỳ vọng của người dân.

Danh mục ngân sách nhà nước vẫn chưa có mục chi riêng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, việc phân bổ nguồn vốn xây dựng hạ tầng CNTT theo kiểu “dàn đều” đã dẫn đến kết quả nơi thừa, nơi thiếu kiểu “xôi đỗ”. Một thực tế khó chối bỏ, chúng ta vẫn chưa có đủ nguồn lực con người chất lượng để vận hành, quản lý các tính năng của chính phủ số.

Sự thiếu quyết tâm của một số người được giao nhiệm vụ ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và quy trình, thủ tục hành chính cũng là rào cản đối với việc xây dựng chính phủ số ở Việt Nam. Đây đang là vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta phải có đột phá trong công cuộc chuyển đổi số lần này.

Cán bộ, công chức các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ sở phải có quyết tâm chính trị chuyển đổi nền hành chính “mệnh lệnh”, cơ chế “xin cho”, sang nền hành chính “phục vụ”, coi người dân thực sự là đối tác, khách hàng mà mình cần phục vụ thông qua sự trợ giúp của các phương tiện CNTT hiện đại. Ngoài ra, phải đẩy mạnh công tác phổ cập tin học cho người dân để họ có thể khai thác được những tiện ích do chính phủ số mang lại.

Về mặt tổ chức, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính phủ số. Thực tế cho thấy, muốn có chính phủ số phải có các nhà “lãnh đạo điện tử”. Cán bộ đứng đầu các tổ chức, đơn vị, đoàn thể phải là người thấu hiểu công năng và tính cần kíp của chính phủ số nên luôn coi đó là một nhiệm vụ chính trị và luôn nỗ lực điều hành công việc trong môi trường mạng.

Về mặt luật pháp, cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, dịch vụ điện tử, chữ ký số và công tác bảo mật; nhanh chóng hoàn thiện các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT; tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển thị trường CNTT tại Việt Nam.

Về mặt kỹ thuật, cần tập trung phát triển hạ tầng băng thông rộng, đẩy mạnh kết nối số trong các ngành, lĩnh vực; mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; hoàn thành việc xây dựng và đưa vào thử nghiệm Cổng Dịch vụ công quốc gia trên cơ sở dữ liệu chung. Muốn vậy, phải kiên quyết tránh nạn “cát cứ thông tin”, cơ sở dữ liệu phải được chia sẻ và “làm giàu” theo thời gian.q

Thực tế tại các quốc gia tiên tiến cho thấy, muốn có chính phủ số phải có các nhà “lãnh đạo điện tử”, “cán bộ điện tử” và “công dân điện tử”. Sự chuyển biến từ nhận thức của 2 đối tượng “lãnh đạo điện tử” và “công dân điện tử” được coi là yếu tố quan trọng để xây dựng chính phủ số.