Wednesday, 11:25 10/08/2011
Xử lý chất thải nguy hại: Lúng túng về cơ chế
KTĐT - Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lượng chất thải nguy hại liên tục gia tăng trong vài năm trở lại đã đây tạo sức ép lớn đối với công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Việc quản lý, xử lý chất thải này đang là một vấn đề bức xúc.
Phương pháp xử lý thô sơ
Theo Luật Bảo vệ Môi trường, chất thải nguy hại có thể tồn tại ở dạng lỏng, rắn, bùn, khí hoặc các dạng khác. Chất thải nguy hại là chất chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác. Có lẽ ít người biết rằng nguyên nhân chính gây bệnh ung thư là do độc chất môi trường nhiễm vào cơ thể qua thực phẩm, qua đất, nước vào thức ăn, nước uống và không khí để thở. Chính vì nguy cơ gây ô nhiễm do có một số chất độc hại của chất thải nguy hại nên việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý (kể cả tái chế, tái sử dụng) phải luôn được quản lý chặt chẽ, khoa học và nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), cả nước hiện có khoảng 80 doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, chính các đơn vị này lại gây ô nhiễm nhiều nhất. Những doanh nghiệp này ký hợp đồng thu gom chất thải nguy hại với các công ty để xử lý, nhưng sau đó lại không làm đúng chức năng của mình mà phần lớn chỉ mang chất thải nguy hại chôn dưới đất. Cụ thể, cả nước có hơn một triệu tấn chất thải nguy hại, phát sinh chủ yếu từ các nguồn sản xuất công nghiệp, làng nghề, dịch vụ khoa học y tế. Trong đó, chỉ khoảng 60% chất thải nguy hại được xử lý, số còn lại bị chôn lấp, đổ thải hoặc tái sử dụng một cách trái phép. Các hoạt động thanh kiểm tra và xử lý vi phạm chỉ khoảng 10% so với tình hình thực tế. Thông qua kết quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại năm 2010, có 322 vụ việc vi phạm với tổng mức phạt lên tới gần 10 tỉ đồng. Trong đó, 29% vi phạm về phát thải; 33% vi phạm về thu gom, vận chuyển; 25% vi phạm về xử lý tiêu hủy, chôn lấp và đổ thải; 13% vi phạm về tái chế sử dụng.
Điều đáng nói, dù hiện nay chất thải nguy hại trong nước chưa được xử lý đến nơi đến chốn, nhiều doanh nghiệp còn nhập chất thải nguy hại vào nước ta bằng nhiều con đường. Sau đó họ chở đi bán thu lợi nhuận rất cao.
Sớm đồng bộ hóa về mặt cơ chế
Theo ông Hoàng Văn Vy, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, tại một số địa phương, công tác quản lý chất thải nguy hại còn yếu, có dấu hiệu "lách luật" để cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại. Để ngăn chặn chất thải nguy hại ngày càng phát tác ra môi trường, cần sớm hoàn thiện các qui định về quản lý chất thải nguy hại theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng, đơn giản hóa các thủ tục. Tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động quản lý chất thải nguy hại, đồng thời mạnh tay xử lý các vi phạm… là những biện pháp cần phải thực hiện ngay.
Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho rằng, phải hoàn thiện sớm hệ thống văn bản pháp luật, để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cũng như áp dụng chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh.
Tại hội thảo "Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng WtE và khả năng triển khai tại Việt Nam", tổ chức mới đây, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, đơn vị này dự định triển khai mô hình xử lý chất thải (WtE) tại Việt Nam. Tuy nhiên, đa số các nhà khoa học lại đề xuất, công nghệ này chỉ nên áp dụng ở vùng kinh tế phát triển như Hà Nội, TP. HCM. Đại diện một số doanh nghiệp cũng bày tỏ, vấn đề nguồn kinh phí đang là rào cản lớn nhất để đưa các công nghệ xử lý chất thải về Việt Nam.
Cởi gỡ khúc mắc này, ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ & Môi trường cho hay, cơ chế về chính sách thì có nhiều, nhưng cái khó là không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tiếp cận được. Vì thế, sẽ đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong vấn đề xử lý chất thải nguy hại.
Riêng về ngành y tế, mỗi ngày các bệnh viện thải ra khoảng 350 - 500 tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 45 tấn là chất thải y tế nguy hại. Dự báo, đến năm 2015 con số này sẽ vượt 70 tấn/ngày và trên 93 tấn/ngày vào năm 2020. Nếu khối lượng rác khổng lồ đó không được xử lý đúng chuẩn, đó sẽ là ẩn họa khó lường cho cuộc sống của người dân. PGS.TS Nguyễn Huy Nga -Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) |