Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý chất thải xây dựng bằng công nghệ nghiền: Chậm vì chưa đủ chế tài

Bài, ảnh: Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Hà Nội đã chỉ đạo đẩy nhanh việc áp dụng rộng rãi công nghệ nghiền trong xử lý phế thải xây dựng (PTXD), song số lượng phế thải được xử lý so với nhu cầu thực còn rất hạn chế.

Mới xử lý phần nhỏ so với nhu cầu

Hà Nội đã có 3 đơn vị nhập dây chuyền nghiền chất thải rắn xây dựng RM70GO theo công nghệ của Đức. Tuy nhiên, mới chỉ có Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng & Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội đưa vào vận hành một dây chuyền tại khu tiếp nhận và xử lý ngoài bãi sông Hồng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai từ tháng 11/2017. Đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận, xử lý khoảng 13.000m3 PTXD tại dự án mở rộng đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động); dự án mở rộng Vành đai 3 (đoạn từ nút giao Mai Dịch đến Nam cầu Thăng Long) do UBND quận Bắc Từ Liêm làm đại diện chủ đầu tư.
Hiện trên địa bàn Hà Nội mới chỉ có một bãi trung chuyển đặt thiết bị nghiền, tái chế phế thải xây dựng với khối lượng xử lý rất hạn chế.
Giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng & Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội Đặng Tiến Thành cho biết, công suất xử lý PTXD tối đa của dây chuyển có thể đạt 200 - 300m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, do chưa có chế tài bắt buộc chủ đầu tư các công trình xây dựng phải có phương án xử lý PTXD, nên mới chỉ có hai chủ đầu tư (nêu trên) ký hợp đồng với công ty để xử lý khối lượng PTXD. "Đây là khối lượng rất nhỏ, chiếm 1/5 công suất chứa của bãi và chưa đáng kể gì so với áp lực 2.000 tấn PTXD mỗi ngày thải ra trên địa bàn TP" - ông Thành nói.

Ngày 29/8/2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo các quận, huyện khi phá dỡ các công trình lớn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phải đề nghị các chủ đầu tư triển khai sử dụng công nghệ tái chế PTXD bằng phương pháp nghiền. Thời gian tới, TP sẽ bố trí 3 vị trí làm trạm trung chuyển tạm thời đặt thiết bị nghiền, tái chế PTXD gồm: Bãi đổ bùn Yên Sở, quận Hoàng Mai; Phần lõi khu đất 6,5ha tại nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; Đảo giao thông tại nút giao Quốc lộ 5 với đường Vành đai 3.

Ông Thành cho biết thêm, đối với các dự án trọng điểm của TP sử dụng vốn ngân sách, khi trao đổi về việc xử lý PTXD theo công nghệ nghiền, các chủ đầu tư chưa thực sự hợp tác. Lý do được các chủ đầu tư đưa ra là còn thiếu cơ sở để đưa giá xử lý PTXD vào chi phí dự án. Do đó, các chủ đầu tư, chủ nguồn thải thường ký hợp đồng khoán trọn gói 3 khâu “phá dỡ - vận chuyển - xử lý” với nhà thầu thi công, không quan tâm đến địa điểm xử lý chất thải xây dựng có đúng quy định hay không. “Chính vì thế mà nạn đổ trộm bừa bãi phế thải xây dựng vẫn đang tồn tại” – ông Thành nhìn nhận.

Cần nhanh gỡ vướng

Theo các chuyên gia xây dựng, để các DN đầu tư và vận hành hiệu quả thiết bị, công nghệ nghiền để tái chế PTXD, mang lại lợi ích kép về kinh tế cũng như môi trường, TP Hà Nội cần nhanh chóng ban hành khung giá dịch vụ xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ nghiền làm căn cứ để các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách đưa vào chi phí lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ký kết hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý PTXD.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng, chính quyền các quận, huyện trước khi cấp phép xây dựng, phê duyệt nguồn vốn và dự toán các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP khi thẩm định hồ sơ cần yêu cầu các chủ đầu tư phải nêu rõ khối lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh cần xử lý, công nghệ xử lý và có chế tài giám sát việc chấp hành (nhất là các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách). Đặc biệt, lực lượng thanh tra xây dựng chuyên ngành, cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, xử lý PTXD trên địa bàn TP.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp bách hiện nay là cần sớm ban hành chế tài pháp lý để bắt buộc các chủ đầu tư phải thực hiện. Có như vậy các bãi nghiền PTXD mới phát huy hiệu quả. Đồng thời mục đích giảm tải áp lực trong vấn đề xử lý PTXD, tiết kiệm diện tích đất dành cho việc chôn lấp, tránh những nguy cơ gây hại cho môi trường của TP nhanh chóng được thực hiện.