Xử lý dứt điểm trong tháng 5

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước những vướng mắc phát sinh trong quá trình DĐĐT ở Sóc Sơn, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn về giải pháp tháo gỡ của huyện.

Ông Phong cho biết, việc nhân dân bỏ sản xuất vụ xuân ở hai xã Kim Lũ và Xuân Thu vừa qua là sự cố đáng tiếc lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn huyện.

Thưa ông, nguyên nhân dẫn tới sự cố trong quá trình DĐĐT ở hai xã Kim Lũ và Xuân Thu bắt nguồn từ đâu?

- Theo tôi, có ba nhóm nguyên nhân chính dẫn tới sự cố đáng tiếc trên. Thứ nhất, do trong quá trình thực hiện DĐĐT, đội ngũ lãnh đạo thôn, xã chưa quyết liệt, nắm không chắc chủ trương, quy trình và các bước tiến hành dẫn tới vi phạm quy chế dân chủ. Một số cán bộ, đảng viên chưa thống nhất quan điểm, đặc biệt còn tình trạng gia đình và người thân cán bộ thôn, xã  thiếu gương mẫu trong quá trình thực hiện DĐĐT.

Thứ hai, do cả hai xã trên chưa thực hiện chia ruộng cho nhân dân theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ nên việc quản lý quỹ đất thiếu chặt chẽ.

Thứ ba, do việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn hai xã này bị buông lỏng trong một thời gian dài, để tồn đọng nhiều vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân và khó khăn cho việc đưa đất công, đất nông nghiệp vào quỹ đất DĐĐT.
 
 
Xử lý dứt điểm trong tháng 5 - Ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn.
 

 Ông có thể nói rõ hơn về tình trạng vi phạm quản lý đất đai trên địa bàn huyện hiện nay. Huyện đã có biện pháp gì để hạn chế vi phạm chưa, thưa ông?

- Từ nhiều năm nay, việc vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện diễn ra ở hầu hết các địa phương, phổ biến là xây dựng trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất rừng. Trước thực trạng đó, tháng 4/2011, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. Trong đó, yêu cầu tất cả các xã, chi bộ Đảng ở cơ sở đều phải có nghị quyết về vấn đề này và triển khai thực hiện. Vừa qua, huyện mới sơ kết 2 năm thực hiện, kết quả cho thấy bước đầu đã kiềm chế được phát sinh các vi phạm mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện DĐĐT đã phát sinh một số vi phạm mới. Cụ thể là mới đây, 42 hộ dân thôn Xuân Dương, xã Kim Lũ đã xây tường bao kiên cố quanh ruộng. Hay có nơi sau khi chia ruộng, người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, đào ao, trồng cây lâu năm trên vùng quy hoạch trồng lúa, rau...

Trước những vi phạm mới phát sinh này, huyện đã có chỉ đạo gì để tháo gỡ khó khăn cho các xã đang tiến hành DĐĐT không, thưa ông?

- DĐĐT là chủ trương đúng đắn được đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhằm quy hoạch lại đồng ruộng và tổ chức lại sản xuất. Tuy nhiên, DĐĐT là việc làm rất khó, liên quan đến quyền lợi của tất cả người dân và phụ thuộc rất lớn vào năng lực lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên từ xã tới thôn. Do vậy, Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, tập trung chỉ đạo với mục tiêu chia được ruộng cho nhân dân trong tháng 5/2013 để kịp sản xuất vụ mùa.

Về giải pháp, huyện chỉ đạo tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về Luật Đất đai. Cùng với đó, tập trung rà soát quy chế, quy định của các Tiểu ban DĐĐT thôn, Ban Chỉ đạo DĐĐT của xã, đảm bảo đúng quy trình, dân chủ; rà roát toàn bộ cán bộ lãnh đạo từ xã tới thôn, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật trong Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu và tự giác.

Huyện cũng đã chỉ đạo xử lý triệt để các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, tạo điều kiện cân đối diện tích đất lấn chiếm, vi phạm đưa vào quỹ đất DĐĐT. Ngoài ra, huyện còn tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho hai xã Kim Lũ và Xuân Thu hoàn thành DĐĐT. Trong đó, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nhân dân trong vụ mùa tới như giống, hoàn thiện hệ thống kênh mương...
 
Xin cảm ơn ông!

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần