Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nợ xấu vẫn khó

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã được ban hành 5 tháng, song sự phối hợp giữa các bộ, ngành vẫn chưa hiệu quả. Việc thi hành án các vụ tín dụng ngân hàng còn đạt tỷ lệ quá thấp.

Năm 2017, các cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc TP Hà Nội đã xử lý tài sản và thu cho các tổ chức tín dụng (TCTD) khoảng 1.836 tỷ đồng, cao hơn 2016 nhưng mới chỉ đạt 12,75% về vụ việc và 22,5% về tiền. Số nợ xấu còn tồn ở các cơ quan thi hành án dân sự là rất lớn (12.938 tỷ đồng).
Thẩm định tài sản thiếu chính xác, cho vay dễ dãi

Theo Nghị quyết 42, tất cả trình tự, thủ tục xử lý tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý tài sản đảm bảo được rút gọn còn 3 - 6 tháng nhưng thực tế không hề dễ. “Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với cơ quan thi hành án là việc xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt là bất động sản vì phải trải qua quá trình kê biên, thẩm định, định giá, bán đấu giá, mất nhiều thời gian” - Cục trưởng Cục Thi hành án TP Hà Nội Lê Quang Tiến chia sẻ.
 Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VietcomBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải 
Nhiều vụ việc, do phía TCTD xác định tài sản cầm cố, thế chấp không chính xác về ranh giới, vị trí, thẩm định giá cao hơn thực tế trong quá trình lập hồ sơ cho vay, dẫn đến hậu quả không xử lý được tài sản thế chấp. Đặc biệt là những bản án, quyết định liên quan đến xử lý tài sản của bên thứ ba bảo lãnh cho người phải thi hành án (bên đi vay), dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự không thể kê biên, xử lý tài sản để thu hồi tiền cho ngân hàng. “Các vụ việc này muốn thi hành lại phải tiến hành hàng loạt các thủ tục khác, rất mất thời gian” - đại diện SHB cho biết. Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng cũng chia sẻ thêm, có những vụ việc tranh chấp kéo dài đến 10 năm chưa xử lý xong. Tại một số trường hợp, việc định giá tài sản còn chưa phù hợp với giá trị thị trường dẫn đến việc đấu giá kéo dài.

Theo cơ quan thi hành án, hợp đồng thế chấp càng chi tiết, càng cụ thể sẽ hạn chế tranh chấp. Cùng với đó, các TCTD khi lập hồ sơ cho vay vốn, cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị tài sản trong tương lai gần. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, TCTD, ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra.

Chuyển tài sản thành tiền, khó đủ đường

Việc thu hồi, bán đấu giá tài sản đã khó nhưng việc giao tài sản cho người trúng đấu giá cũng gặp không ít khó khăn. Thủ tục chuyển tiền về cũng khá lâu, do sự chống đối của người phải thi hành án - khách hàng của ngân hàng thiếu hợp tác, trốn tránh. Theo NHNN Chi nhánh Hà Nội, các vụ việc thuộc dạng này trên địa bàn Hà Nội có 121 vụ với số tiền là 159,69 tỷ đồng.

Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Anh Phạm Hùng Lân cho biết, một số trường hợp ngân hàng chưa kịp làm thủ tục giải chấp khi cơ quan thi hành án đã xử lý xong gây bức xúc cho người mua trúng đấu giá. Tại huyện Thạch Thất, đến hết năm 2017 có 11 việc bán đấu giá thành công nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá. Tại Vietcombank trên địa bàn Hà Nội, đến thời điểm 30/11/2017 số tiền thu được từ thi hành án chỉ khoảng 13 tỷ đồng trên tổng giá trị nợ gốc khoảng 447 tỷ đồng. “Nếu thu giữ mà không xử lý được sẽ là gánh nặng cho ngân hàng” - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng cho biết.

Đại diện các ngân hàng cho hay, hoạt động thi hành án trong xử lý nợ của các TCTD rất nhiều, phần lớn nằm trong bất cập do Luật Thi hành án và những quy định chưa rõ ràng, cụ thể. Do đó, cần thiết phải có hướng dẫn chi tiết hơn, đồng thời hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng công tác phối hợp liên ngành, theo chủ trương hỗ trợ xử lý nợ xấu của các TCTD như tinh thần của Nghị quyết 42.
Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố ngày 26/12 cho biết, tính cả năm, ngành ngân hàng đã xử lý được 70.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng nợ xấu theo các ngân hàng báo cáo là 65,8%. Theo tính toán của NFSC, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng 2017 là 9,5%.
Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Tư pháp sớm tham mưu trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh Quốc hội năm 2019. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Luật Đăng ký tài sản, Nghị định về giao dịch bảo đảm… Văn phòng Đăng ký đất đai, TN&MT thực hiện đúng quy định của pháp luật về đăng ký sang tên tài sản, đảm bảo quyền của các chủ sở hữu khoản nợ trong việc trực tiếp phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
LS Trương Thanh Đức
Cần phải xem lại vấn đề định giá tài sản. Bởi những tài sản bảo đảm được định giá vào “thời điểm vàng” của bất động sản (cách đây khoảng 10 năm) sẽ khác thời điểm hiện tại. Nên nghiên cứu thành lập sàn giao dịch mua bán nợ tập trung; phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản. 
TS Cấn Văn Lực