Các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, Hà Nội đang triển khai điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung, hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá về quy hoạch hạ tầng đô thị, trong đó có thu gom, xử lý nước thải nhằm hồi sinh lại các dòng sông.
Nan giải ô nhiễm sông, hồNét đặc trưng địa lý của Hà Nội là TP sông, hồ. Trong suốt thế kỷ XX, sông, hồ Hà Nội không chỉ là lá phổi xanh, tạo cảnh quan cho TP mà còn là nơi người dân có thể thả bè rau muống, sẵn cá tôm, cung cấp nguồn thức ăn chính cho các hộ dân hai bờ, trẻ em có thể bơi lội. KTS Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội) cho biết, vào những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, rất nhiều hồ, ao bị san lấp để lấy đất xây nhà.
Cùng với đó, thời gian này, việc thay “xí hai ngăn” bằng các bể “bán tự hoại”, thực chất là hóa lỏng nước thải trộn lẫn nước mưa đổ tự do vào cống, dồn vào các hồ, dẫn đổ vào sông Tô Lịch, bơm ra sông Hồng. Kết quả là sông, hồ Hà Nội ô nhiễm, sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Lừ, Sét trở thành cống lộ thiên nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối vòng quanh TP.Để giải cứu sông, hồ, TP Hà Nội đã vay hàng trăm triệu USD vốn ODA cho dự án thoát nước làm cống mới, trạm bơm, nạo vét bùn, lu lèn chặt và kè bê tông toàn bộ sông hồ nội thành. Tuy nhiên, cách làm này cũng đã gây ra những hệ lụy. Điển hình, năm 2003, Hà Nội cho nạo vét bùn, rồi trộn đất sét với cát vàng, lu lèn chặt đáy hồ Thuyền Quang và kè xi măng xung quanh, biến hồ sinh thái tự nhiên thành đĩa bê tông đựng nước kết quả là những năm sau đó cá chết nhiều. TP xoay xở nhiều cách như bơm sục khí, bè thủy sinh, rắc hóa chất Redoxy 3C, thả thiên nga… nhưng cá vẫn chết nhiều và thường xuyên hơn.Bên cạnh đó, TP xây 4 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) bên cạnh các hồ nhưng kết quả là sông, hồ vẫn ô nhiễm. Nguyên nhân là Nhà máy XLNT Hồ Tây xây xong không có nước thải, trong khi các cống nước thải vẫn đổ thẳng xuống hồ, Nhà máy XLNT Trúc Bạch cũng tương tự. Nhà máy XLNT Bảy Mẫu, Kim Liên xử lý xong đổ vào sông Lừ, Sét, Kim Ngưu trộn lẫn nước bẩn chảy vòng quanh TP rồi mới đổ vào Nhà máy Yên Sở xử lý, bơm nước sạch ra sông Hồng.Cơ hội để cứu những dòng sôngTheo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, khu vực trung tâm TP cần đầu tư xây dựng 13 nhà máy XLNT, tổng công suất khoảng 905.000m3/ngày đêm. Hiện, TP đã xây dựng xong 5 nhà máy XLNT gồm: Yên Sở, Trúc Bạch, Kim Liên, Hồ Tây và Hồ Bảy Mẫu với tổng công suất 234.300m3/ngày đêm (chiếm tỷ lệ 26% lượng nước thải khu vực trung tâm).
Hà Nội đang kỳ vọng Nhà máy XLNT Yên Xá có công suất xử lý 270.000m3/ngày đêm sẽ “giải cứu” sông Tô Lịch nhưng hai đường ống ngầm đôi bờ sông dài 10km, nhận nước thải từ 300 cửa cống chỉ đón 150.000m3/ngày đêm, tức là mới đạt nửa công suất. Do vậy, ngay cả sau khi Nhà máy Yên Xá hoạt động, tăng thêm 150.000m3, thì tổng lượng nước thải được xử lý là 384.300m3, chưa tới 40% lượng nước thải toàn TP, còn lại 60% nước thải chưa xử lý phát tán ra môi trường hàng ngày.Theo KTS Trần Huy Ánh, không có phép màu nào có thể làm sạch sông hồ Hà Nội “sau một đêm”. Nhưng có thể tính toán làm sạch sông hồ ngay từ trạm bơm nước sông Hồng đổ vào đầu nguồn Nhuệ, sông Tô lịch và Hồ Tây. Giải pháp này có thể kích hoạt đồng thời với việc Bộ Xây dựng khởi động Dự án quy hoạch xây dựng trụ sở 12 bộ, ngành, quy mô 35ha tại Tây Hồ Tây.
Với đặc điểm khu vực gần sông Hồng và Hồ Tây, diện tích được quy hoạch, khoảng 20% sẽ dành xây trụ sở, còn lại 80% để khai thác đa năng trong đó nên xây dựng một vùng chuyển hóa nước sinh học và nâng cấp môi trường cảnh quan cả vùng.
Khu Tây Hồ Tây là cơ hội tốt để Hà Nội có thể hình thành “bộ lọc sinh thái” để tạo ra hệ tuần hoàn tự nhiên, tái tạo nước sạch, không khí sạch... từng bước phục hồi đa dạng sinh học từ đầu nguồn, sau đó lan tỏa toàn TP. |