Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý vi phạm đê điều: Quận, huyện thiếu quyết liệt

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2018, trên địa bàn TP xảy ra 197 vụ vi phạm Luật Đê điều, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Dù vậy, việc xử lý các vi phạm vẫn là bài toán nan giải đối với nhiều địa phương.

Một công trình xây dựng trái phép ven sông Đáy tại xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức.
Thực tế, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của TP, những vi phạm đê điều đã có chiều hướng giảm. Cụ thể, nếu như năm 2015, toàn TP xảy ra 326 vụ vi phạm pháp luật đê điều thì năm 2016 giảm còn 233 vụ, năm 2017 còn 190 vụ. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm vẫn chưa đạt hiệu quả. Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Nguyễn Xuân Hải cho biết, đối với 197 vi phạm năm 2018, đơn vị đã chỉ đạo, đôn đốc các Hạt Quản lý đê phối hợp với các cấp chính quyền vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, chính quyền các quận, huyện, thị xã chỉ mới xử lý được 31 vụ (bằng 15,7% tổng số vụ); số vụ vi phạm còn tồn đọng là 166 vụ.
So với những năm trước đây, số vụ vi phạm đê điều nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp an toàn các tuyến đê đã giảm; tuy nhiên, số vụ phát sinh vẫn còn lớn, chưa đáp ứng yêu cầu của TP. Lý giải về khó khăn trong xử lý vi phạm Luật Đê điều, ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng, chính quyền địa phương một số nơi còn thiếu kiên quyết trong xử lý dứt điểm các vi phạm. Mặt khác, do trước đây, một số địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không xem xét đến Luật Đê điều, dẫn đến tình trạng nhà dân có giấy tờ sở hữu nhưng nằm trong hành lang bảo vệ đê. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật đê điều của một bộ phận dân cư vẫn còn hạn chế…

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đê điều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương đề xuất UBND TP ưu tiên đầu tư bổ sung các hạng mục công trình phụ trợ như: Cắm mốc chỉ giới thoát lũ, chỉ giới bảo vệ đê điều. Xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê. Cùng với đó, nâng cấp các tuyến đê, kè kết hợp làm đường ven sông, nhằm ngăn chặn tình trạng đổ chất thải lấn chiếm bãi sông, lòng dẫn, dòng chảy, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, tạo cảnh quan môi trường…

Bên cạnh các giải pháp trên, lãnh đạo một số địa phương cũng đề xuất các sở, ban ngành sớm ban hành hướng dẫn thủ tục thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đê điều và công trình thủy lợi theo Nghị định số 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Thay đổi phương thức thống kê số vụ vi phạm theo hướng chỉ thống kê những vụ việc có tính chất xâm hại trực tiếp công trình đê điều...