Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý vi phạm tại đất dự án chậm triển khai: Chưa đủ mạnh

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, UBND phường Yên Hòa và các lực lượng chức năng quận Cầu Giấy đã hoàn thành việc cưỡng chế các công trình vi phạm trật tự xây dựng, di dời tài sản, quây tôn… bao quanh các ô đất E3 - 23, E4, E5 khu đô thị mới Cầu Giấy; đồng thời tiến hành bàn giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội (Trung tâm quỹ đất - PV) quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhưng chưa đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng quản lý trên giấy, đặc biệt là tại các dự án chậm triển khai.

 Các ô đất trên mặt đường Dương Đình Nghệ đã được quây tôn chống vi phạm.
Muôn vàn kiểu vi phạm

Theo ghi nhận của báo Kinh tế & Đô thị, mặc dù TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương, các đơn vị được giao đất… tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, các quy định này vẫn còn một khoảng cách lớn giữa văn bản và thực tế, thậm chí là vẫn nằm trên giấy. Đơn cử như tại khu vực đường Nguyễn Xiển, hàng loạt những nhà xưởng, trạm trộn bê tông… vẫn ngang nhiên tồn tại trên đất nông nghiệp; tại khu vực 460 Trần Quý Cáp (phường Văn Miếu, quận Đống Đa), Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường dù đã hết hạn thuê đất nhưng thản nhiên “phân lô” cho gần 30 cơ sở, nhà xưởng thuê lại nhằm thu lợi bất chính. Đây cũng là thực trạng đã và đang diễn ra tại các khu đô thị như Nam Trung Yên, Trung Hòa – Nhân Chính, khu đô thị Đền Lừ… nhưng chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, để xảy ra tình trạng trên, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền các địa phương thì một phần trách nhiệm không nhỏ của các đơn vị được giao, quản lý đất. Đơn cử, tại ô đất E5, khu vực bố trí trụ sở của các Tổng Công ty (khu đô thị mới Cầu Giấy), chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm được giao quản lý (từ ngày 28/12/2018), lực lượng chức năng đã 2 lần phát hiện một số cá nhân ngang nhiên phá rào tôn, tổ chức dựng nhà tạm trái phép trong ô đất. Trong khi đó, những sai phạm tại ô đất số 460 phố Trần Quý Cáp lại là một minh chứng cho sự thờ ơ của chính quyền địa phương. Nói như vậy là bởi, mặc dù thừa nhận những sai phạm trong việc sử dụng đất, PCCC, bảo vệ môi trường… nhưng thay vì xử lý, đình chỉ mọi hoạt động của khu vực nhà xưởng này thì quận Đống Đa lại chọn phương án gửi… báo cáo tới các đơn vị chức năng.

Cần rõ người, rõ trách nhiệm

Xoay quanh vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp rào tôn quanh ô đất, quy trách nhiệm rõ người, rõ việc… là biện pháp quan trọng, ngăn chặn các hành vi tái vi phạm trong việc quản lý đất dự án chậm triển khai. Thế nhưng, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan, nhất là đơn vị được giao quản lý chính thì tình trạng quản lý trên giấy, tái vi phạm như đã từng xảy ra sẽ lại trở thành một “điệp khúc” tại khu vực này. Ví dụ như tại ô đất E5, dù Trung tâm quỹ đất đã chính thức được giao quản lý, chịu trách nhiệm với ô đất này và đơn vị cũng đã bố trí người trông giữ. Thế nhưng, đầu tháng 4 vừa qua, trong quá trình kiểm tra, thị sát địa bàn, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy vẫn phát hiện hàng loạt vi phạm như đã nói ở trên.

Trao đổi với báo Kinh tế& Đô thị, ông Phạm Văn Lợi – Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy cho biết, đối với những hành vi tái vi phạm, đơn vị sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Trung tâm quỹ đất – đơn vị được giao quản lý trực tiếp. Bởi, hầu hết những khu đất nằm tách biệt với khu dân cư, các vi phạm diễn ra chủ yếu vào ban đêm nên việc xử lý của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.