Quan tâm chưa đúng mức
Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng sự tồn tại và lan tràn ngày càng mạnh mẽ của xe dù, bến “cóc”, xe khách trá hình có phần trách nhiệm do buông lỏng quản lý của các quận, huyện, phường, xã. Mượn danh trụ sở quản lý, tiếp nhận thông tin, nhiều DN vận tải kinh doanh xe hợp đồng đã biến văn phòng đại diện, chi nhánh của mình thành nơi tập kết hàng hóa, đón khách, bán vé, nhận đặt chỗ… từ đó đưa đón khách hằng ngày như xe khách liên tỉnh. Hoạt động trá hình này liệu chính quyền địa phương có nắm được không hay buông lỏng quản lý, phó mặc cho DN tự tung, tự tác. Mỗi UBND quận, huyện, thị xã cho đến cấp phường, xã đều có đầy đủ lực lượng chức năng như: Công an, Thanh tra GTVT, Tự quản, Dân phòng cùng với nhiều đoàn thể xã hội hỗ trợ công tác quản lý, tuyên truyền, giữ gìn trật tự trên địa bàn. Có thể khẳng định, những hoạt động đón khách, nhận hàng tại các văn phòng nhà xe diễn ra công khai, gây ồn ào, bức xúc trong Nhân dân chắc chắn không thể giấu giếm được lâu dài. Vậy phải chăng có sự lơ là, thiếu trách nhiệm…?
Việc phát hiện, xử lý xe dù, xe trá hình dừng đỗ, đón trả khách trên đường là nhiệm vụ chính của CSGT. Hiệu quả từ việc này chỉ xử lý được phần ngọn của vấn nạn nêu trên. Chừng nào những văn phòng, chi nhánh, bến “cóc” còn tồn tại, hoạt động rầm rộ giữa lòng TP thì xe dù, xe trá hình còn có cơ sở vững chắc để tiếp tục kinh doanh bất chấp mọi quy định của pháp luật, gây mất trật tự, ATGT, văn minh đô thị. Hình ảnh những văn phòng nhà xe chất đầy hàng hóa, cho hành khách ngồi tràn ra chiếm hết vỉa hè, xe dừng đỗ hàng giờ trên đường gây cản trở giao thông, mất trật tự, xuất hiện ở nhiều nơi, nhất là những tuyến đường phố trong trung tâm đô thị. Điều đó chỉ cho thấy sự quan tâm chưa đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao của chính quyền cấp cơ sở.
Mặt khác, trong bối cảnh việc xử lý vi phạm của xe khách trá hình, xe dù hiện còn rất nhiều khó khăn đối với các lực lượng chức năng chuyên trách như: CSGT, Thanh tra GTVT… nếu phát huy được vai trò và sức mạnh của chính quyền địa phương trong quản lý văn phòng, chi nhánh nhà xe, sẽ mang lại hiệu quả tức thì. Có những quy định, chế tài đã rất rõ, đủ để xử lý vi phạm của các văn phòng xe. Ví dụ như hiện tượng chất hàng hóa tràn ngập vỉa hè, lập bến cóc tại các ô đất trống, đường nội bộ khu đô thị để đón khách…đều đủ căn cứ pháp lý để xử phạt. Nếu kiên quyết, làm gay gắt sẽ hạn chế được phần lớn xe khách trá hình, xe dù, bến “cóc”. Có thể nói, vấn đề lớn nhất hiện nay của các quận, huyện chính là sự “nhùng nhằng”, vừa e dè vừa lơ là trước vấn nạn xe dù, xe khách trá hình, coi nhẹ những hệ lụy nó mang lại cho người dân và các các DN làm ăn chân chính.
Thống nhất quy định
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 140/KH - SGTVT về việc “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong công tác kiểm tra, xử lý hoạt động xe dù, bến “cóc” và các giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong đó nội dung “Dự thảo đưa vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) một số cơ chế chính sách đặc thù riêng cho TP Hà Nội để xử lý các bất cập tồn tại liên quan đến “xe dù, bến cóc” hiện nay, tháo gỡ kịp thời các kho khăn vướng mắc còn thiếu, chồng chéo, giao thoa về quy định pháp lý, chế tài xử lý, biện pháp xử lý đối với “xe dù, bến cóc” trong hệ thống văn bản quy định của Nhà nước”.
Điều đó cho thấy sự cần thiết phải có một quy định thống nhất, rõ ràng để xử lý xe dù, xe khách trá hình trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội cần thống nhất một chủ trương, chính sách chung cho tất cả các sở, ngành, quận, huyện trong quản lý, xử lý vi phạm. Khi đó chính quyền địa phương sẽ không còn e dè chuyện “đụng chạm” đến ngành dọc, không đủ thẩm quyền, không có chức năng xử lý… Đồng thời cũng sẽ không còn nơi nào viện cớ “không đủ thẩm quyền” đề ngó lơ vi phạm. UBND TP Hà Nội cũng có thể nghiên cứu, phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm của các sở, ngành cũng như quận, huyện. Ví dụ như xuất hiện xe dừng đỗ, đón trả khách trên đường thì xử lý trách nhiệm của đơn vị công an, CSGT, nhưng để tập kết hàng hóa, đón khách tại văn phòng nhà xe, hình thành các tụ điểm bến “cóc” trong ô đất trống, nội bộ khu đô thị thì xử lý người đứng đầu quận, huyện.
Ngoài ra cần quy chế phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền cơ sở với cơ quan quản lý chuyên ngành GTVT. Nếu phát hiện văn phòng xe có hoạt động vi phạm thì cấp cơ sở phải có văn bản đề xuất Sở GTVT xử lý DN. Không xử lý kịp thời, Sở GTVT phải chịu trách nhiệm; không đề xuất xử lý thì UBND quận, huyện phải bị khiển trách, kỷ luật. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cần đưa ra những quy định rất rõ về trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra vi phạm tại các văn phòng, chi nhánh nhà xe. Trong đó người đứng đầu cấp phường, xã, quận, huyện sẽ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật khi để vi phạm kéo dài hoặc tái diễn nhiều lần. Chỉ khi có quy chế rõ ràng về trách nhiệm, tinh thần vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở mới quyết liệt, rốt ráo hơn.