Xử phạt chủ phương tiện không mang theo giấy tờ gốc: Bất cập từ những quy định

Trình Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, câu chuyện người điều khiển phương tiện đã thế chấp tại các ngân hàng, quỹ tín dụng bị lực lượng CSGT xử phạt vì lỗi không mang theo giấy tờ gốc trở thành một trong những vấn đề nóng gây bức xúc trong dư luận.

Xung quanh câu chuyện này, người ủng hộ, người lại phản đối lực lượng CSGT, tuy nhiên, theo nhiều luật sư, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đến từ chính các quy định.

Cảnh sát giao thông kiểm tra xử phạt lái xe vi phạm tại nút giao Liễu Giai - Kim Mã. Ảnh: Phạm Hùng

Trước đó, lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an khẳng định, theo Nghị định 46, người tham gia giao thông nếu không đủ các giấy tờ đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bản chính... khi vi phạm giao thông sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, theo một nhân viên của VP Bank, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và Công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực. Tuy nhiên theo Điều 323 Bộ luật dân sự 2015, các bên được thỏa thuận, và thông thường, đăng ký xe bản gốc sẽ do ngân hàng giữ còn khách hàng sẽ được cấp đăng ký xe bản phô tô có dấu đỏ xác nhận của ngân hàng để đi đường. Đồng thời, khách hàng sẽ phải ký giấy đề nghị ngân hàng giữ hộ đăng ký bản gốc. Khi ngân hàng cho bên thế chấp vay, buộc ngân hàng phải giấy tờ bản gốc vì nếu xe khách hàng đi, giấy tờ khách hàng giữ thì rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu cho ngân hàng.

Nhiều luật sư khi được hỏi đều cho rằng, đây là điều bất hợp lý. Bởi, theo Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 thì ngân hàng được phép giữ các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp của chủ sở hữu theo thỏa thuận, trừ trường hợp có luật khác. Thêm vào đó, Nghị định 163 và Nghị định 11 (sửa đổi Nghị định 163) không phải là luật và dưới luật. Do đó, tất cả các quy định khi thực hiện vẫn phải căn cứ điều 323 Bộ luật Dân sự 2015.

Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, tất cả những bất cập trên đều xuất phát từ những văn bản pháp luật. Theo luật sư Hà, lực lượng CSGT xử phạt dựa theo các quy định của pháp luật. Trong khi đó, bên thế chấp thì buộc phải giữ lại các giấy tờ cần thiết để làm tin. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của bên thế chấp, bên nhận thế chấp, các cơ quan có chức năng nên ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp hợp tình, hợp lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần