Luật nghiêm cấm lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ cồn bao nhiêu. Ảnh minh họa |
Nghị định 100/2019 quy định mức xử phạt cao hơn rất nhiều đối với các hành vi vi phạm, nhất là với hành vi uống rượu bia khi lái xe. Đa phần các ý kiến đều đồng tình với khung xử phạt mới, qua đó kỳ vọng sẽ đủ sức răn đe người uống rượu, bia mà còn cố tình điều khiển phương tiện giao thông.
Đáng chú ý, tại Nghị định 100/2019, Chính phủ quy định: Người đi xe máy có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng và tước Bằng lái xe từ 10 - 12 tháng. Cùng hành vi trên, người đi xe đạp uống rượu bia, với mức phạt thấp nhất là 80.000 đồng và cao nhất là 800.000 đồng.
Một số ý kiến cho rằng, trong khi Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định: Nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Vậy phải chăng Nghị định 100/2019 đang "vênh" với luật?
Lý giải vấn đề trên, bà Hoàng Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, theo Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện như sau: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 đã sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy, luật nghiêm cấm lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ cồn bao nhiêu.
Nhận định thêm, Luật sư Trần Thanh Nam - Công ty Luật ICC Việt Nam cho biết, quy định tại Nghị định 100/2019 là hoàn toàn phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008 (sau khi đã được sửa đổi bởi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia). Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa được phổ biến quy định mới này.
Về thắc mắc, tại sao Nghị định 100/2019 không nhắc tới Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật sư Nam lý giải: Nghị định 100/2019 căn cứ những văn bản bao quát. Có thể phần căn cứ không trích dẫn hết những quy định pháp luật liên quan, nhưng vẫn phải đảm bảo là không phải không có căn cứ mà quy định.
Cụ thể như, xử phạt lỗi không thắt dây an toàn với người ngồi trên ô tô, xử phạt lái xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại… Những lỗi này, Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định, nhưng vẫn đưa vào nghị định xử phạt vì căn cứ theo Công ước Viên 1968 mà Việt Nam là thành viên.