Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu trái cây bứt phá

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, trái cây đang trở thành mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Để tạo bứt phá xuất khẩu trong thời gian tới, cùng với quy hoạch vùng, liên kết DN sản xuất chuỗi, trái cây Việt cần được khơi thông thị trường và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

Thu hoạch thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh
Tăng trưởng tại nhiều thị trường
Mới đây, Công ty CP Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng (tỉnh Bắc Giang) xuất khẩu 3,6 vạn quả bưởi đào đường sang Nga. Đây là lô bưởi đầu tiên của Bắc Giang xuất sang thị trường Nga. Giám đốc Công ty CP Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Đỗ Thị Hằng cho biết, để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu bưởi sang Nga, từ nhiều năm trước, công ty đã liên kết với các hộ nông dân xây dựng vùng trồng bưởi hữu cơ chất lượng tại huyện Lục Nam. Cách đây hơn 4 tháng, các DN Nga đã sang kiểm tra vùng trồng và cùng công ty hoàn tất các thủ tục kiểm định chất lượng để xuất khẩu. Sản phẩm bưởi xuất khẩu là bưởi đào đường, trọng lượng từ 1,4 - 1,6 kg/quả.

Trước lô bưởi tại Bắc Giang, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng. Vào tháng 10/2020, Chile đã thông báo chấp nhận nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam. Vào cuối tháng 6/2020, hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang tổ chức xuất khẩu gần 5 tấn vải thiều sang Nhật Bản bằng đường hàng không. Đặc biệt, trong tháng 9/2020, lô hàng đầu tiên gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long xuất khẩu sang EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) bằng đường tàu biển và hàng không.

Theo số liệu tổng hợp của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 11 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu rau, quả đạt 3,01 tỷ USD, trong đó mặt hàng trái cây chiếm tới gần 80% giá trị xuất khẩu của nhóm này. Đáng chú ý, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song xuất khẩu trái cây vẫn ghi nhận tăng trưởng tại nhiều thị trường, đặc biệt là EU. Dự kiến năm nay, xuất khẩu trái cây sang thị trường EU tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hạn chế lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả ở nước ta hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, khó đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức liên kết sản xuất; năng suất bình quân nhiều loại cây ăn quả thấp. Trong khi đó, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm của các vùng sản xuất cây ăn quả của Việt Nam chưa chuyên nghiệp, đặc biệt là thiếu vắng các DN lớn tham gia sản xuất, xuất khẩu.

Để khắc phục hạn chế này, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục cùng các địa phương rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung. Đồng thời, xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc, trong đó chú trọng yếu tố thị trường chính ngạch. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhằm giúp các DN đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, bộ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán, cơ quan phụ trách nông sản tại các nước kịp thời giải quyết mọi nội dung liên quan đến thương mại nông sản quốc tế, các tiêu chuẩn về chất lượng, các quy định quốc tế. Về phía các địa phương căn cứ vào thế mạnh, sản phẩm đặc sản để đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng căn cứ theo thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, liên kết với DN để sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu.

Phân tích về thị trường, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, việc giảm thuế theo EVFTA giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn để tiến vào thị trường châu Âu. Hiện, EU là thị trường nhập khẩu rau, quả lớn thứ 4 của Việt Nam. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân châu Âu sẽ tăng cao trở lại, nên xuất khẩu trái cây sang thị trường này dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. “Các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã xây dựng các kế hoạch nhằm hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu như: Quảng bá nền tảng quốc gia được nuôi dưỡng từ thiên nhiên, thành lập Tổng đài chăm sóc người tiêu dùng sản phẩm Việt Nam, số hóa công tác giao thương và tận dụng các hiệp định thương mại tự do…” – ông Trần Thanh Hải thông tin.
Hiện, cả nước có hơn 1 triệu ha cây ăn quả, sản lượng hơn 12,6 triệu tấn. Trong đó, xoài đạt trên 800.000 tấn, thanh long đạt trên 1,2 triệu tấn, bưởi đạt trên 700.000 tấn… Ngoài ra, cả nước có 1.749 vùng trồng quả tươi được cấp mã số xuất khẩu, 1.200 mã số cho cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu.