Xuất nhập khẩu - Thành tựu nổi bật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu được đánh giá là thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam sau 40 năm thống nhất, giang sơn thu về một mối.

Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng bình quân năm về xuất, nhập khẩu năm 2014 so với năm 1976.

Nhìn tổng quát, tốc độ tăng bình quân năm của tổng xuất khẩu và xuất khẩu bình quân đầu người đều rất cao.
Tốc độ tăng xuất/nhập khẩu bình quân năm thời kỳ 1976 - 2014 (%)
Tốc độ tăng xuất/nhập khẩu bình quân năm thời kỳ 1976 - 2014 (%)
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, năm 2014 đã đạt trên 150 tỷ USD, cao gấp 674,7 lần năm 1976, bình quân một năm tăng 18,7% - cao hơn nhiều so với các con số tương ứng của GDP (8,3 lần và 5,72%/năm). Kim ngạch xuất khẩu tăng cao do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do tăng trưởng kinh tế, góp phần làm cho một số mặt hàng sản xuất đã vượt nhu cầu tiêu dùng ở trong nước. Có nguyên nhân do việc hội nhập, với chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa về ngoại giao, đầu tư, thương mại… Năm 2015 nếu tăng 10% như chỉ tiêu kế hoạch đề ra, thì tổng kim ngạch xuất khẩu vượt qua mốc 165 tỷ USD, đạt kỷ lục mới và vượt xa mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm (128 tỷ USD). Xuất khẩu bình quân đầu người năm 2014 đạt 1.655 USD, cao gấp 376,2 lần. Năm 2014 có 23 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (Điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng, cà phê, gạo, xơ, sợi dệt, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, sản phẩm từ chất dẻo, sắt thép các loại, hạt điều, cao su, sản phẩm từ sắt thép, rau quả, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn). Quý I/2015 đã có 9 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Có một số mặt hàng đứng thứ hạng cao trên thế giới. Cơ cấu mặt hàng mấy năm nay đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng hàng thô hoặc mới sơ chế giảm (từ trên một nửa năm 2000 xuống còn khoảng một phần ba năm 2014), tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế tăng (tương ứng từ dưới một nửa lên trên hai phần ba); trong hàng chế biến hoặc đã tinh chế thì hàng có trình độ kỹ thuật, công nghệ cao hơn (như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải…) tăng cao hơn.

Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/GDP năm 2014 đã đạt 89,3%, cao gấp 17,9 lần năm 1985 và thuộc loại khá cao trên thế giới. Nếu tính cả xuất và nhập khẩu/GDP đã đạt 159,5%; nếu tính cả xuất nhập khẩu dịch vụ thì đạt 173,4%, nằm trong tốp 5 nước có tỷ lệ cao nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc loại khá rộng.

Hàng hóa của Việt Nam năm 2014 đã có mặt ở 170 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, gấp 5 lần năm 1986, trong đó có 28 nước và vùng lãnh thổ đạt từ 1 tỷ USD trở lên (Mỹ, Nhật Bản, CHND Trung Hoa, Hàn Quốc, Hongkong, Đức, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oxtraylia, Malaysia, Hà Lan, Anh, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Áo, Italia, Campuchia, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Pháp, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Canađa, Bỉ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Mexico. Quý I/2015 đã có 8 thị trường.

Xuất khẩu dịch vụ năm 2014 đạt 11 tỷ USD, cao gấp gần 2,6 lần năm 2005, bình quân một năm tăng 11,1%, là tốc độ khá cao. Khả năng quy mô xuất khẩu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng tốc do Việt Nam mở cửa, hội nhập nói chung và mở cửa, hội nhập về dịch vụ ngày một sâu, rộng hơn.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, về xuất nhập khẩu hiện còn những hạn chế, bất cập  đứng trước những thách thức không nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu đạt quy mô và tăng trưởng khá, nhưng giá trị gia tăng không cao, thực thu ngoại tệ không lớn do tỷ trọng hàng thô, mới sơ chế hoặc hàng gia công, lắp ráp còn cao. Trong hai khu vực, khu vực kinh tế trong nước tăng thấp, chiếm tỷ trọng thấp và giảm. Khu vực FDI xuất siêu lớn, còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn. Nhập siêu rất lớn từ CHND Trung Hoa, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore. Xuất khẩu dịch vụ còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (năm 2014 chiếm 6,8%); nhập siêu dịch vụ lớn (năm 2014 là 4 tỷ USD), trong đó nhập siêu về dịch vụ vận tải rất lớn.

Việt Nam cần đón cơ hội tham gia AFTA mới, trong đó có TPP, AEC để tranh thủ cơ hội, vừa tăng được kim ngạch xuất khẩu, vừa giảm được nhập siêu. Nhưng nếu không nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thì có thể bị thua trên sân nhà.