Mỗi chuyến công tác đều để lại nhiều kỷ niệm khó quên nhưng chuyến đi Trường Sa hồi tháng 5 vừa qua đã cho tôi cơ hội được trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về lòng yêu nước, qua những câu chuyện, những tấm gương kiên cường của chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng, ngọn gió. Quả thực, một chuyến đi thật nhiều cảm xúc!
"Canh" sóng
Theo "cảnh báo" của nhiều đồng nghiệp, ai đi Trường Sa cũng phải trải qua "nghĩa vụ" là say sóng, tôi cũng lỉnh kỉnh chuẩn bị một túi thuốc men và hồi hộp... chờ đợi. Xuất phát từ Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), sau vài giờ êm trôi trên sông Sài Gòn, ra đến cửa biển, con tàu HQ 561 bắt đầu lắc chòng chành do sóng biển va đập. Đang ngồi trên boong tàu, tôi và một số thành viên trong đoàn có dấu hiệu... choáng, đầu ong ong như búa bổ. Cánh phóng viên chúng tôi kéo nhau xuống khoang C gõ cửa phòng bác sĩ Thái Đàm Lương của tàu xin giải pháp với suy nghĩ "tỉnh táo để còn tác nghiệp". Nhìn thấy bộ mặt nhăn nhó của chúng tôi, bác sĩ Lương cười: "Đấy là dấu hiệu rất bình thường của tất cả những ai đi biển. Nếu chịu đựng được thì nên chịu, không nên uống thuốc chống say sóng vì sẽ rất mệt". Thế là tôi quyết tâm không uống thuốc. Rất may, chỉ sau vài giờ đồng hồ, tôi đã quen với sóng biển dập dềnh và thậm chí còn yêu thích cái cảm giác ấy!
Một loại sóng khác cũng là mối bận tâm lớn của anh em phóng viên là sóng điện thoại và sóng mạng 2G (ở Trường Sa chỉ có sóng 2G). Chuyến công tác của chúng tôi đúng vào thời điểm Biển Đông đang “dậy sóng” vì Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thế nên, cánh phóng viên ai cũng muốn truyền về tòa soạn những tin, bài nóng hổi nhất từ Trường Sa.
Dù đã được cảnh báo trước nhưng quả thực khi phải chờ trực để gửi tin, ảnh đầu tiên của Đoàn công tác tại đảo Trường Sa Lớn, tôi mới cảm nhận được mọi khó khăn. Mạng yếu, anh em phóng viên chỉ nhau cách nén ảnh lại và dán nội dung tin, bài (text) vào luôn trong email (vì đính kèm file sẽ rất lâu), nhưng phải mất gần một tiếng rưỡi tôi mới chuyển tin, ảnh về được tòa soạn.
Biết được "điểm yếu" đó, khi đến các đảo, tôi thường cố gắng tập trung tác nghiệp thật nhanh vì còn căn thời gian... "canh sóng" 2G. Gửi tin đã mất nhiều thời gian, gửi bài về tòa soạn còn lâu hơn gấp nhiều lần. Qua hai ngày đầu tiên ra đảo, tôi hoàn thành phóng sự "Hà Nội và tình yêu lớn với Trường Sa" khá nhanh chóng. Tuy nhiên, lúc gửi bài về mới thực sự là thử thách. Hơn 3 giờ đồng hồ ngồi trước máy tính, màn hình vẫn ở chế độ chờ đăng nhập vào email. Quá 12 giờ đêm, tôi đành gấp máy và hy vọng vào cơ hội sáng hôm sau sóng sẽ tốt hơn. 4 giờ sáng, tôi trở dậy và mang máy tính lên boong tàu... hứng sóng. Thật may, lần này, chỉ vài chục phút là tôi đã gửi được bài phóng sự kèm một số ảnh về tòa soạn và nhảy lên vui sướng trước khi hiệu lệnh quen thuộc trên con tàu HQ 561 vang lên:"Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!".
Vừa tác nghiệp, vừa khóc
Ra thăm 10 đảo chìm, đảo nổi và nhà giàn DK1/21 trên quần đảo Trường Sa, tôi thực sự thấy xúc động trước tinh thần vượt khó, quả cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các cán bộ, chiến sĩ hải quân. Có đảo, nguồn nước ngọt chỉ đủ chia cho mỗi chiến sĩ vài lít/ngày nên anh em sử dụng vô cùng tiết kiệm, tận dụng từng giọt nước để tưới rau. Thế nhưng, khi đoàn công tác đến, các đảo đều bố trí 3 chậu nước cho thành viên đoàn công tác rửa tay, khiến ai cũng xúc động.
Trên những hòn đảo chúng tôi đặt chân đến, vẫn còn đó những nấm mộ của các chiến sĩ đã hy sinh để gìn giữ chủ quyền biển đảo. Khi dự Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam, được nghe về những tấm gương anh dũng, kiên cường của các anh, nước mắt lã chã rơi trên gương mặt của rất nhiều thành viên đoàn công tác, từ già tới trẻ, nam hay nữ. Phóng viên Trần Bích Hạnh (Đài Truyền hình Hà Nội) lặng lẽ lùi lại đằng sau, đứng khóc một mình, còn nhà báo Nguyễn Kim Chi - Phó Tổng Biên tập báo Phú Thọ cũng vừa chụp ảnh, vừa lau nước mắt.
Bản thân tôi, nghe chuyện Thiếu tá Kim Văn Mệnh - Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/21 ngày mất cha không kịp về đưa tang đã cay cay sống mũi. Đến khi phỏng vấn Trung úy Nguyễn Công Tính - Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/21, biết chuyện anh không thể có mặt ở bên cùng vợ chào đón tiếng khóc của đứa con đầu lòng, hay mỗi chiến sĩ nhà giàn chỉ có khoảng 1,5 lít nước/ngày để sử dụng, rồi những trận sóng biển ào ào đập vào khung thép của nhà giàn mỗi khi có gió bão, vừa ghi chép mà nước mắt tôi rơi tự lúc nào...Đến mỗi đảo, tôi đều cố gắng đi tìm và nhặt những con ốc biển, mảnh san hô hay hòn đá nho nhỏ cất vào túi để làm quà cho đồng nghiệp, bạn bè ở nhà. Riêng tôi, giữ cho mình một hòn đá hình trái tim - hòn đá mà tôi cảm thấy mình may mắn vì tìm được nó. Trên ấy, còn lưu nét bút phóng khoáng của Thượng tọa Thích Giác Nghĩa - Trụ trì chùa Trường Sa viết một chữ "Tâm", như trái tim của chúng tôi, của đất liền luôn hướng về Trường Sa...
![]() Kinhtedothi - Phóng viên Thắng Văn (phải) trò chuyện với Thiếu úy Mai Văn Mạnh (quận Nam Từ Liêm) đang làm nhiệm vụ tại đảo An Bang. Ảnh: Đức Anh |
![]() Chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông đọc báo, tạp chí sau giờ tập luyện. Ảnh: Thiện Quang
|