Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xúc động gặp lại các cựu chiến binh tham gia giải phóng Thủ đô

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi trở về với đời thường, những chiến sĩ năm xưa tham gia chiến đấu giải phóng Thủ đô vẫn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vẫn tham gia cống hiến tại địa phương cho đến khi không còn đủ sức.

Tham gia nhiều chiến dịch nổi tiếng

Cụ Nguyễn Như Thiện (SN 1931, quê xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông - nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội; hiện sống tại nhà 003 lô C, chung cư 43 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh).

Mặc dù đã 93 tuổi, nhưng mỗi khi nghe ai hỏi về quá khứ hào hùng trong những tháng ngày tham gia chiến đấu giải phóng Thủ đô, cụ Thiện hào hứng kể: “Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi chiến đấu ở Liên khu Đống Đa, đánh Pháp nhiều trận ở Mỹ Đức. Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Việt Nam lần thứ hai, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, tôi ở lại Hà Đông cùng đồng đội đánh Pháp. Năm 1950, tôi được đi học lớp chỉ huy trung đội và đại đội 18 tháng rưỡi tại Côn Minh (Trung Quốc) rồi về nước năm 1951 tiếp tục chiến đấu. Từ tháng 3/1952-10/1954, tôi làm Bí thư chi bộ, tham gia các chiến dịch: Tây Bắc 1 và 2; Thượng Lào 1 và 2; Đông-Xuân và chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm, tặng quà cụ Nguyễn Như Thiện.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm, tặng quà cụ Nguyễn Như Thiện.

Nhớ lại những kỷ niệm khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội, cụ Thiện nói: Lúc đó Đại đoàn 308 tập kết ở Bắc Giang. Nhận lệnh cấp trên, đơn vị cử phái đoàn đi trước tiếp quản một số địa điểm rồi tiến vào Thủ đô. Lúc tiếp quản không xảy ra bắn nhau, vì người Pháp đã thua trận.

Năm 1978, sau khi đất nước thống nhất, cụ Thiện được điều vào TP Hồ Chí Minh giữ chức Chỉ huy trưởng Cơ sở 2 Viện Kỹ thuật Quân sự miền Nam (B25). “Làm việc tại B25 vài năm, tôi được chuyển sang Phòng Chính trị Tổng cục Tiền phương kỹ thuật. Năm 1983, tôi được phong quân hàm Đại tá, sau đó được điều về giữ chức Bí thư Đảng ủy-Phó Giám đốc Học viện Quân y. Năm 1990 tôi về hưu, về sống tại phường 8 (quận Phú Nhuận), được chỉ định làm Bí thư Chi bộ Công an phường, sau đó cùng gia đình chuyển sang phường 9 sinh sống, vẫn tham gia công tác tại địa phương đến khi quá tuổi thì nghỉ”, cụ Thiện chia sẻ.

Tham gia giải phóng miền Nam, làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia

Còn cụ Vũ Quang Chiêm (SN 1936, quê huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; hiện sống cùng gia đình ở số 53 Võ Oanh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Cụ Chiêm kể: năm 1949 tôi mới 13 tuổi, vì muốn vào bộ đội đánh Pháp nên tôi khai tăng 5 tuổi, rồi được xếp vào đội văn nghệ Tỉnh đội Hải Dương để chiến đấu.

“Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ vào ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Ngày 2/8/1954, tôi được giao nhiệm vụ vừa biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội và người dân, vừa chiến đấu giải phóng đường số 5 (từ Hà Nội đến Hải Phòng) và tiếp quản khu vực này. Việc tiếp quản chia ra 3 đợt (từ 20/7/1954 đến 15/5/1955): 80 ngày, 100 ngày và 300 ngày, để quân Pháp rút khỏi miền Bắc theo từng vùng: Thủ đô Hà Nội, thị xã Hải Dương, TP Hải Phòng. Trong nội ô Thủ đô và đường số 5 từ Gia Lâm đến ga Như Quỳnh chia thành 2 khu vực: khu Thủ đô Hà Nội 36 phố phường do Đại đoàn 308 và Trung đoàn Quyết thắng Thủ đô tiếp quản; khu Gia Lâm (đường số 5 đến ga Như Quỳnh) do một số đơn vị Khu Tả ngạn và đơn vị tôi tiếp quản. Thời đó, quân Pháp rút đến đâu, chúng tôi tiếp quản đến đó”, cụ Chiêm nhớ lại.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm, tặng quà cụ Vũ Quang Chiêm (người mặc quân phục).
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm, tặng quà cụ Vũ Quang Chiêm (người mặc quân phục).

Sau đó, cụ Chiêm tiếp tục tham gia giải phóng vùng Hải Phòng, đến tháng 9/1955 được điều về Trung đoàn 44 Sư đoàn 350 bảo vệ vùng mỏ Hòn Gai (Quảng Ninh). Ngày 30/4/1965, cụ được điều vào Nam chiến đấu chống Mỹ tại nhiều chiến trường: Khe Sanh, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

“Tháng 4/1972, tôi làm Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn bộ binh 3 Sư đoàn 9. Đơn vị của tôi diệt Thiết đoàn thiết giáp số 1 và Sư 5 của ngụy, giải phóng Lộc Ninh; tháng 3/1975, làm Phó Ban Tác chiến Sư đoàn 9 giải phóng Dầu Tiếng; ngày 4/4/1975, Sư đoàn 9 giải phóng Chơn Thành (Bình Dương) làm bàn đạp cho Quân đoàn Bộ binh 3 và 1 tiến vào Sài Gòn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi làm Trưởng Ban Tác chiến Sư đoàn 9, lúc 11 giờ ngày 30/4/1975, đơn vị tôi đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Sài Gòn, bắt được Tư lệnh là tướng Lâm Văn Phát cùng toàn bộ ban tham mưu của ông ta”, cụ Chiêm kể.

Sau ngày đất nước thống nhất, đến năm 1977 bè lũ Pol Pốt-Ieng Sary đánh phá biên giới Tây Nam nước ta, cụ Chiêm lại cầm súng đánh giặc. Lúc 10 giờ 30 phút ngày 7/1/1979, cụ Chiêm cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Pênh, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do tập đoàn Pol Pốt-Ieng Sary gây ra. Tháng 7/1987, cụ Chiêm về nước và nghỉ hưu vào năm 1989 với quân hàm Đại tá - Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4.

“Suốt 40 năm binh nghiệp, tôi nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ, như năm 1960 khi tham gia duyệt binh nhân kỷ niệm 15 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; vào tháng 6/1961, khi Bác Hồ đến thăm Nhà máy cơ khí Duyên Hải-Hải Phòng”, cụ Chiêm hồi tưởng.

 

Cụ Vũ Quang Chiêm được tặng thưởng 11 Huân chương, Huy chương, Kỷ niệm chương và Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng; vợ chồng cụ có 3 người con (1 trai, 2 gái).

Cụ Nguyễn Như Thiện, ngoài Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, còn được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý. Khi được hỏi về cô Trần Thị Tuyết năm xưa, cụ Thiện cười nói: “Bà ấy sinh năm 1931 tại Hà Nội, là con của nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Phúc. Sau này bà ấy là vợ tôi”.

Bà Trần Thị Tuyết, vợ của cụ Nguyễn Như Thiện được công chúng biết đến qua chương trình “tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 1957. Bà Trần Thị Tuyết được công nhận ngâm thơ hay nhất Việt Nam, và là người duy nhất trong lĩnh vực ngâm thơ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2016. Tháng 11/2020, cụ Trần Thị Tuyết mất, vợ chồng cụ Thiện-Tuyết có 3 người con (2 trai, 1 gái).