Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xúc tiến thương mại, cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù ngành công thương liên tục triển khai xúc tiến thương mại (XTTM) quảng bá hàng Việt nhưng hoạt động này mới chỉ dừng ở bề nổi. Để tạo cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới, đòi hỏi nâng cấp hoạt động XTTM hỗ trợ doanh nghiệp.

Thiếu thông tin thị trường đối tác tiêu thụ

Cuối năm 2023, đã có 120 doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) qua đó quảng bá sản phẩm Việt tới thị trường hơn 1 tỷ dân. Mặc dù cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, song theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động XTTM vẫn mang tính bề nổi trong quá trình đưa hàng Việt thâm nhập thị trường thế giới.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Lê Anh Tuấn chia sẻ, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp trong việc sản xuất hạt điều xuất khẩu là sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi. Thế nhưng việc tìm kiếm đối tác cung ứng lại không dễ dàng, nguyên nhân bởi hoạt động XTTM tại thị trường châu Phi chủ yếu là hội thảo, triển lãm nên doanh nghiệp khó tìm được nhà cung ứng.

Doanh nghiệp Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới đối tác nước ngoài tại hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới đối tác nước ngoài tại hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với phản ánh này, nhiều doanh nghiệp than thở, mặc dù đã tham gia các chương trình XTTM do hiệp hội ngành hàng và Cục XTTM (Bộ Công Thương) tổ chức nhưng không thu được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân là do đơn vị tổ chức đưa doanh nghiệp tham gia chương trình XTTM không phát huy vai trò đầu tầu trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp phải tự tìm kiếm đối tác, thông tin thị trường khiến việc tiếp cận khách hàng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hầu như không thực hiện được.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam nêu rõ, các doanh nghiệp phản ánh không sử dụng được nhiều thông tin từ cơ quan xúc tiến cung cấp do chung chung, không cụ thể. “Thậm chí, thông tin mà cơ quan xúc tiến chuyển tải lại được lấy từ nguồn cung cấp là doanh nghiệp”-ông Nam chia sẻ.

Khảo sát của phóng viên trên một số trang website của các cơ quan XTTM cho thấy, hiện thiếu hụt mảng thông tin về thị trường, khách hàng. Một số trang đã có cập nhật số liệu, thông tin về thị trường ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng đa phần sử dụng số liệu của năm trước.

Đối tác nước ngoài tìm hiểu sản phẩm Việt tại gian hàng “Hà Nội - Việt Nam” trong Triển lãm Home Show (Australia). Ảnh: Hoài Nam
Đối tác nước ngoài tìm hiểu sản phẩm Việt tại gian hàng “Hà Nội - Việt Nam” trong Triển lãm Home Show (Australia). Ảnh: Hoài Nam
Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động XTTM, dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục XTTM Trần Duy Đông cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu chưa chủ động trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, thẩm định đối tác. Đồng thời ngại phối hợp với các tổ chức XTTM xây dựng kế hoạch cũng như tham gia triển khai hoạt động xúc tiến đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường Việt Nam đã ký kết các FTA.

Mở rộng xúc tiến cả chất và lượng

Năm 2024, ngành công thương đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 377 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý phải đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM theo hướng đổi mới, chuyển đổi số, phát huy vai trò cầu nối giao thương giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất.

Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt mong muốn, thời gian tới cơ quan quản lý nên đẩy mạnh hoạt động XTTM trên nền tảng số thông qua các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng, đưa sản phẩm Việt Nam vươn mạnh ra thế giới.

Quảng bá sản phẩm Việt tới đối tác Singapore của doanh nghiệp Hà Nội tại hội chợ FLAsia 2023 do Sở Công Thương Hà Nội triển khai. Ảnh: Hoài Nam
Quảng bá sản phẩm Việt tới đối tác Singapore của doanh nghiệp Hà Nội tại hội chợ FLAsia 2023 do Sở Công Thương Hà Nội triển khai. Ảnh: Hoài Nam

“Để đạt hiệu quả cao trong giao thương trực tuyến, kỳ vọng Bộ Công Thương chia sẻ nhiều hơn thông tin về thị trường theo từng nhóm ngành hàng cụ thể, thông tin thuế quan… qua đó giúp các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch khi giao dịch với đối tác. Tránh hiện tượng bị đối tác lừa đảo, như vụ 5 container hồ tiêu, quế và điều bị lừa đảo tại Dubai thời điểm cuối năm 2023. Đây chính là trường hợp điển hình việc doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường” - ông Việt nói.

Để nâng cấp hoạt động XTTM đúng, trúng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương đề xuất, Cục XTTM, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phát huy vai trò dẫn dắt, kết nối, giúp các địa phương xây dựng định hướng tổ chức hoạt động theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, kết nối doanh nghiệp với các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam. Đồng thời phối hợp với Hà Nội tổ chức các sự kiện xúc tiến quy mô lớn với sự tham gia của nhiều địa phương nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

“Bộ Công Thương cần thường xuyên cập nhật các chính sách và tình hình thị trường quốc tế, giúp doanh nghiệp có những biện pháp thích nghi với hoàn cảnh mới” – ông Dương kiến nghị.

Để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến, Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú cho biết, trong năm 2024 Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức XTTM mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác các FTA. Ngoài ra, sẽ thực hiện các hoạt động XTTM quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế cho những ngành, lĩnh vực có thế mạnh ở thị trường xuất khẩu chủ lực. Đồng thời tiếp tục tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực XTTM cho các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

“Tuy nhiên bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý còn đòi hỏi doanh nghiệp cần phải tự thân vận động để giành cơ hội giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội; xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm một cách chuyên nghiệp”- ông Phú khuyến nghị.