Xung đột Nga - Ukraine: Nông sản Việt "vạ lây”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường này bị gián đoạn. Trong khi đó, sản xuất trong nước cũng đang “nặng gánh” bởi giá một số nguyên liệu đầu vào nhập khẩu tăng mạnh.

Xuất khẩu gián đoạn, chi phí sản xuất tăng

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hàng năm Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản sang Nga khoảng 500 triệu USD. Trong đó, một số mặt hàng có trị giá xuất khẩu đáng kể như: Thủy sản (164 triệu USD); cà phê (173 triệu USD); tiêu, điều (60 triệu USD). Khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây cũng như phản ứng từ phía Nga đã gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới, như: Ngắt hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) các ngân hàng quốc tế lớn của Nga; phong tỏa tài sản của các ngân hàng, tập đoàn lớn; ngăn cản xuất nhập khẩu; ngừng cung cấp tín dụng, đứt gãy chuỗi cung ứng, phá giá đồng Ruble... Các DN xuất khẩu hiện đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang thị trường khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn thừa nhận, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng nhiều đến cả xuất khẩu nông sản sang Nga, cũng như nhập khẩu các mặt hàng từ Nga về Việt Nam. Việc Nga bị loại ra khỏi Hệ thống thanh toán SWIFT là vấn đề hết sức quan ngại. Bởi SWIFT hiện là phương thức gửi tiền phổ biến, được hầu hết ngân hàng trên thế giới và Việt Nam sử dụng thực hiện các giao dịch thanh toán xuất, nhập khẩu.

Ở góc độ DN, bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam - một DN xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang Nga cho hay, ngay khi xảy ra giao tranh, các đơn hàng của thị trường này phải ngừng do không có chuyến bay để vận chuyển. Mặt khác, đồng Ruble giảm gần 30% nên nhiều nhà nhập khẩu Nga không muốn trả tiền đơn hàng. Tình hình thanh toán qua ngân hàng của các DN gần như tê liệt. Do đó, các DN tạm ngưng ký đơn hàng nhập khẩu đi Nga, cho dù nhiều nhà nhập khẩu nước này vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác.

 

Hiện có khoảng 50 DN Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những DN đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe

Ở chiều ngược lại, sản xuất trong nước cũng đang khá lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2021 Việt Nam chi 500 triệu USD nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản từ Nga và Ukraine. Đáng nói, Việt Nam nhập nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như: Lúa mỳ khoảng 1 triệu tấn (chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ); ngô làm thức ăn chăn nuôi. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Nga khoảng từ 130.000 - 380.000 tấn, chiếm khoảng 3 - 9,5% tổng khối lượng nhập khẩu, tương ứng 5 - 11,9% về giá trị, chủ yếu nhập phân kali, phân NPK và DAP. Riêng lượng phân kali nhập từ Nga khoảng từ 68.000 - 200.000 tấn/năm, chiếm 7,2 - 18,6% so với tổng lượng nhập khẩu loại phân bón này.

Nga cũng là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các DN nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga. Trong khi đó, sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất toàn cầu. Cụ thể, giá lúa mỳ, ngô... đã tăng khoảng 10 - 20%, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Chủ động giảm lệ thuộc

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong những tháng tới, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tập trung theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh toán cho các DN đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ. Tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước: Peru, Úc, Braxin, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN… Tổ chức tuần lễ ''Nông sản Việt'' tại EXPO 2022 Dubai và làm việc với một số đối tác song phương ở Ấn Độ, Argentina, UAE; hội đàm với Phó Chủ tịch điều hành EU nhằm thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực biến đổi khí hậu trong khuôn khổ triển khai kết quả hội nghị.

Trước mắt, DN xuất nhập khẩu cần bám sát vào những quy định, thông tin mới từ ngân hàng của Nga, ít nhất là đảm bảo được các khoản thanh toán trong giao thương. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

 

Hiện tại, giá phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu tăng khoảng 80 - 130% so với năm ngoái. Trong đó, urê là mặt hàng có biến động mạnh nhất khi tăng khoảng 130%, lên mức 15,5 - 16 triệu đồng/tấn tại TP Hồ Chí Minh. Giá nhập khẩu tháng 1/2022 rơi vào khoảng 461,6 USD/tấn, so với 262,4 USD/tấn cùng kỳ năm trước, tăng 76%.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toản, giải pháp lâu dài mang tính chiến lược đó là ngành sản xuất nông nghiệp của chúng ta phải tăng tính chủ động, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ thế giới. “Nỗi kinh hoàng lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp nước ta trong năm 2021 chính là giá phân bón và giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng phi mã. Đây là 2 mặt hàng chúng ta đang lệ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Sự tăng giá của phân bón, giá thức ăn chăn nuôi đang “đè nặng” lên vai người nông dân”- ông Nguyễn Quốc Toản đánh giá.

Theo đó, để ứng phó với vấn đề này, trong bối cảnh nông dân đang gieo trồng vụ Đông Xuân, Bộ NN&PTNT khuyến cáo cần sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, đề nghị các DN sản xuất phân bón trong nước duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước, lên nhiều kịch bản ứng phó với biến động của thị trường thế giới. Đối với thức ăn chăn nuôi cũng cần chủ động nguồn cung nguyên liệu trong nước, để tránh lệ thuộc vào thế giới.

Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyến cáo các DN chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân kali. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, xem xét, sớm bãi bỏ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính rà soát, xem xét các chính sách về thuế đối với phân bón. Trước mắt, nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP và MAP.