Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung quanh đề xuất Giải tán phòng GD&ĐT: Cần có căn cứ khoa học

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất giải tán các phòng GD&ĐT ở các quận, huyện trên cả nước của thầy giáo Bùi Nam đang tạo ra nhiều quan điểm trái chiều.

Bên cạnh những ý kiến cho rằng, phòng giáo dục với bộ máy cồng kềnh, thừa thãi, thì một số người lại lo ngại, nếu giải tán phòng giáo dục, các hiệu trưởng nhà trường sẽ trở thành những “ông vua con”.

Tinh giản bộ máy

Theo phân tích của thầy giáo Bùi Nam - tác giả của đề xuất trên, số cán bộ mỗi phòng giáo dục khoảng trên dưới 10 người, chưa tính giáo viên biệt phái ở các trường về công tác tại đây. Cả nước có 659 đơn vị hành chính cấp huyện, nếu giải tán phòng GD&ĐT quận, huyện, sẽ có thêm nguồn tài chính để tăng lương cho giáo viên. Ủng hộ quan điểm này, giáo viên Nguyễn Huyền (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, không cần thiết phải giữ lại cấp phòng giáo dục, gồm trưởng phòng, ít nhất 3 phó phòng và đội ngũ công chức. Thực tế, các phòng GD&ĐT hiện như một cơ quan trung gian để truyền tải thông tin, ít liên quan hay tác động trực tiếp đến hoạt động giáo dục của nhà trường. Với đề xuất này, các phòng, ban chuyên môn cấp quận, huyện chỉ cần 2 hoặc 3 chuyên viên về giáo dục làm công tác tham mưu trực tiếp công việc của ngành cho UBND quận, huyện là đủ.

Giờ học Tiếng Việt tại trường Tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Lãnh đạo một trường THCS quận Ba Đình cũng cho rằng, nếu thực hiện được thì sẽ giúp tinh giản biên chế ngành giáo dục, nên giao quyền tự chủ cho các trường. "Chúng ta sẽ không sợ tạo ra những “ông vua con” bằng cách giám sát chặt chẽ, đề cao dân chủ trong các trường học. Hãy thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm, đề cao dân chủ, để giáo viên được lên tiếng, được bày tỏ quan điểm của mình. Như vậy, hiệu trưởng nào giám làm sai? Mặt khác, chỉ có giáo viên trong trường mới có thể giám sát hiệu trưởng tốt nhất chứ phòng GD&ĐT quản lý cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” - vị này bày tỏ.

Khó giải tán

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề xuất trên, nhiều người lại băn khoăn tính khả thi và cho rằng, với địa bàn tỉnh rộng, khó khăn trong đi lại, nếu không có cấp phòng theo dõi quản lý thì Sở GD&ĐT không thể đủ nhân lực để thanh, kiểm tra các tra hoạt động của các trường học trong tỉnh. GS Nguyễn Minh Thuyết còn khẳng định, đề xuất trên không hợp lý ở chỗ, hệ thống chính quyền nước ta đang thực hiện theo 4 cấp quản lý là T.Ư, tỉnh, huyện, xã. Ở huyện, xã có rất nhiều các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh. UBND là cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có cơ quan tham mưu giúp việc, đó là phòng GD&ĐT. “Nếu bỏ đi cấp quản lý này thì Sở GD&ĐT không thể sâu sát tới từng trường. Đặt trong bối cảnh chủ trương tăng quyền tự chủ cho các trường, chúng ta có thể xem xét, xác định lại vai trò của phòng giáo dục cho hợp lý” - GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích.

Đồng quan điểm, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Quản lý giáo dục rất phức tạp không chỉ thực hiện chủ trương lớn mà còn có những việc rất cụ thể. Quản lý trong giáo dục cũng phải chia đến cấp huyện, cấp xã giống như quản lý ở cấp chính quyền. Vì thế không nên giải thể hay cắt giảm cấp quản lý giáo dục ở huyện, xã”. Hơn nữa, một nguyên lãnh đạo Học viện Quản lý Giáo dục còn thẳng thắn, đã có nhà trường thì phải có cơ quan quản lý chứ không thể để nhà trường “tự tung, tự tác”. Tuy nhiên, các đơn vị cũng cần phải tinh giản những bộ phần cồng kềnh, không cần thiết, không phục vụ trực tiếp cho việc giáo dục, những cá nhân làm việc không hiệu quả.

Có lẽ, đứng trước hai luồng ý kiến này, nói như nhà nghiên cứu Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE là hợp lý: Khi đưa ra một đề xuất ảnh hưởng đến nhiều người và cả hệ thống giáo dục, cần dựa trên căn cứ và nền tảng khoa học cho sáng kiến đó, chứ không thể cứ “thích là nói”.