Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ý kiến cử tri về phiên chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Nhóm PV Nội chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Báo Kinh tế & Đô thị đã ghi nhận các ý kiến của cử tri xung quanh nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, tư lệnh ngành tại kỳ họp này.

 Toàn cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Bà Hà Thị Điệp - Bí thư Chi bộ 8, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng) 
Mong các Bộ trưởng luôn “nói đi đôi với làm”

Qua theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tôi nhận thấy có nhiều đổi mới, chất lượng cao hơn các kỳ họp trước. Câu hỏi của các đại biểu đã nói thẳng nói thật, đi vào vấn đề nhiều cử tri quan tâm; người trả lời chất vấn cũng thể hiện có trách nhiệm, cụ thể các giải pháp hơn, nên cử tri cũng như người dân chúng tôi rất phấn khởi.
Trong đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 31/10 với phần giải trình của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số tư lệnh ngành như: Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT…, tôi ấn tượng nhất với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khi giải trình về các vấn đề đại biểu nêu liên quan đến chính sách phát triển ngành nông nghiệp. Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, thỏa đáng về nhiều công việc của bà con nông dân, chẳng hạn giải pháp cụ thể trong lĩnh vực nuôi tôm hùm…

Dù vậy, cũng thấy không phải mọi câu trả lời của các bộ trưởng đều cụ thể như của Bộ trưởng NN&PTNT. Để đáp ứng được hết kỳ vọng, mong mỏi của cử tri, tôi mong tới đây, các vị tư lệnh ngành cần phát huy trách nhiệm, trả lời cụ thể hơn, không mang tính chất đối phó và “nói đi đôi với làm”.

Linh Nguyễn (ghi)
Bà Vũ Thị Mẫn - Bí thư chi bộ Cụm dân cư số 4, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ

Qua chất vấn để đánh giá về trách nhiệm trong thực hiện lời hứa
 Bà Vũ Thị Mẫn
Tôi thấy không khí chất vấn rất thẳng thắn, sôi nổi và phần trả lời của các Bộ trưởng, tư lệnh ngành cơ bản đáp ứng mong mỏi của cử tri. Với cách chất vấn và trả lời chất vấn như này đã giúp các đại biểu Quốc hội hỏi và phản ánh được nhiều hơn bức xúc mà cử tri cả nước đang quan tâm. Đồng thời, cũng là dịp để người dân thấy các Bộ trưởng, tư lệnh ngành có nắm chắc vấn đề thuộc lĩnh vực của mình đang trực tiếp tham mưu hoặc giải quyết để trả lời trước Quốc hội.

Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội đã đặt rất nhiều câu hỏi về tất cả các vấn đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã chất vấn và trả lời chất vấn cũng các nội dung mà Bộ trưởng, tư lệnh ngành đã hứa trước Quốc hội, cử tri. Theo tôi thì đây là cơ sở để rà soát lại và nhìn lại kết quả trong việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, tư lệnh ngành. Ngoài ra, cũng giúp các đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá được khách quan năng lực của từng Bộ trưởng, tư lệnh ngành đối với từng lĩnh vực được giao.

Trần long (ghi)
Bà Cù Thị Kim Thuận - Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 5, phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội

Thiếu giải pháp đột phá
 Bà Cù Thị Kim Thuận
Tôi thấy phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phần nào thể hiện được tinh thần tôn trọng ý kiến xác đáng của dư luận về nội dung một dự thảo còn tranh cãi. Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn chưa nhìn nhận rõ trách nhiệm của một tư lệnh ngành đặc biệt quan trọng với xã hội để điều hành, chỉ đạo sát hơn, có giải pháp đột phá khắc phục những tồn tại từ lâu khiến người dân bức xúc.

Với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho thấy, Bộ trưởng nắm khá rõ các vấn đề đại biểu quan tâm. Tuy nhiên ngoài việc bảo tồn các di sản, tôi mong chờ hơn một giải pháp hữu hiệu giữ gìn bản sắc văn hóa ở các phường xã, nền tảng đạo đức ở mỗi gia đình...
Việt An (ghi)

Ông Phạm Đình Vịnh - Tổ trưởng Tổ dân phố số 25, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân

Đồng tình với phương án bỏ quản lý dân cư bằng hộ khẩu
 Ông Phạm Đình Vịnh

Đối với các vấn đề cử tri bức xúc, các đại biểu được chất vấn đã trả lời thẳng thắn, dứt khoát, rõ ràng. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều vụ án người dân bức xúc còn để tồn đọng, giải quyết chưa dứt điểm. Ngoài ra, vấn đề sổ hộ khẩu cũng gây bức xúc bởi nhiều hộ dân sinh sống ổn định hàng chục năm vẫn “người một nơi, hộ khẩu một nẻo”. Chính vì vậy, con cái phải đi học trái tuyến rất bất tiện, tốn kém chi phí. Khi phải lấy ý kiến, xác nhận, chứng nhận bất cứ vấn đề gì, họ phải quay về nơi thường trú cũ để xin chứng nhận. Nhiều thủ tục “ăn theo” hộ khẩu gây khó khăn, trở ngại cho cuộc sống của người dân. Do đó, khi đề xuất phương án bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, người dân rất phấn khởi, mong chủ trương trên sớm được thực thi, bởi nếu người dân cư trú thực tế và đăng ký hộ khẩu thường trú ở nơi khác nhau thì họ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ và dễ phát sinh tiêu cực.

Hồng Thái (ghi)