Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ý nghĩa Hiệp định RCEP - tâm điểm của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trang Nikkei của Nhật Bản đưa tin, các Bộ trưởng của 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã đồng ý ký kết thỏa thuận thương mại Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 15/11 tới.

Cánh cửa ngỏ cho Ấn Độ
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia Mohamed Azmin Ali cho biết, 15 quốc gia “đã kết thúc đàm phán và sẽ ký hiệp định RCEP vào ngày 15/11 sắp tới”.
Hiệp định RCEP là điểm sáng thu hút sự quan tâm tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Agus Suparmanto hôm 10/11 cũng bày tỏ hy vọng rằng hiệp định RCEP với sự tham gia của 15 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia thành viên diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan trong tuần này do Việt Nam chủ trì theo hình thức trực tuyến.
15 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, đã nhất trí với các điều khoản của hiệp định RCEP vào năm ngoái.
Một tuyên bố từ RCEP cho biết, 15 quốc gia tham gia đã kết thúc các cuộc đàm phán cho tất cả 20 chương và các vấn đề tiếp cận thị trường. Dù có Ấn Độ hay không, hiệp định RCEP đã được lên kế hoạch ký chính thức trong năm nay. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào năm 2021 hoặc tháng 1/2022.
Các nước thành viên sẽ có thời gian 2 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận để xây dựng chi tiết các điều khoản trước khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực.
Đây sẽ là khung khổ thương mại tự do đầu tiên của Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc - hai đối tác thương mại quan trọng của Tokyo. RCEP có thể thúc đẩy thương mại giữa ba quốc gia Nhật - Trung - Hàn.
Ấn Độ đã tham gia khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2013, nhưng vào năm ngoái New Delhi đã rút khỏi bàn đàm phán. Bất chấp những nỗ lực của Nhật Bản thuyết phục nước này quay trở lại trong bối cảnh lo ngại về thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng, New Delhi vẫn đang bỏ trống ghế trên bàn đàm phán.
Mặc dù các quốc gia khác sẽ không được phép tham gia RCEP trong một khoảng thời gian nhất định sau khi Hiệp định này có hiệu lực, nhưng điều khoản này sẽ không áp dụng cho Ấn Độ. Các thành viên có kế hoạch soạn thảo một văn bản riêng cho phép New Delhi tham gia bất cứ lúc nào nếu muốn.
Khôi phục và phát triển kinh tế
RCEP sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các quy tắc trong khoảng 20 lĩnh vực, bao gồm các luồng hàng hóa xuyên biên giới. Đối với Nhật Bản, thỏa thuận sẽ giảm bớt thuế quan cho các các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản - Liên minh châu Âu. RCEP cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với 61% hàng hóa nhập khẩu sang Nhật Bản từ các thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, cùng với 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc.
Theo dự thảo Hiệp định RCEP, Nhật Bản sẽ không miễn giảm thuế cho các mặt hàng nông sản chủ chốt như gạo và lúa mỳ. Ngoài hai nông sản trên, Nhật Bản cũng sẽ vẫn áp thuế lên các nông sản nhạy cảm khác là thịt bò và thịt lợn, bơ sữa và đường để bảo vệ người nông dân trong nước trước hàng hóa nhập khẩu giá rẻ.
Đối với xuất khẩu của Nhật Bản, RCEP dự kiến ​​sẽ loại bỏ thuế quan của Trung Quốc đối với một số mặt hàng sò điệp vào năm thứ 11 sau khi có hiệu lực; loại bỏ thuế của Hàn Quốc đối với kẹo vào năm thứ 10 và thuế của Indonesia đối với một số loại thịt bò ngay sau khi có hiệu lực. Thuế đối với rượu sake và rượu mạnh của Nhật Bản cũng sẽ bị loại bỏ.
Trước thực tế những tác động tiêu cực của Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức lớn cho sự lưu chuyển các luồng thương mại và đầu tư trong khu vực, việc RCEP nhanh chóng được ký kết dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế các nước ASEAN khôi phục và phát triển; trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.