Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Y tế cơ sở còn khó trăm bề

Theo Báo Hải quan
Chia sẻ Zalo

Mạng lưới y tế cơ sở là xương sống của hệ thống y tế, là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp.

Tuy nhiên, hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.
10 năm không tuyển nổi một bác sĩ
Không giống như nhiều người dân ở các thành phố lớn đi khám bệnh chỉ mất thời gian vài chục phút để đi từ nhà tới cơ sở khám chữa bệnh, nhiều bà con dân tộc ở các vùng sâu vùng xa trên cả nước phải vượt chặng đường dài có khi đến vài chục cây số, trèo đèo, lội suối, đường đồi núi quanh co hiểm trở mới tới được cơ sở khám chữa bệnh.
Giảng viên, bác sĩ của Đại học Y Hà Nội khám chữa bệnh tình nguyện cho nhân dân trên địa bàn huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.  
Theo lời chị Trần Thị Thu Hương - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, nhiều bà con ở các xã vùng xa của huyện như Củ Tỷ, Nàm Xím, Lùng Cải... ốm đau song vẫn phải vượt cả chặng đường xa, giao thông đi lại khó khăn để tới bệnh viện do vậy cơ thể càng mệt mỏi, chưa kể nếu với những bệnh cấp tính cần cứu chữa ngay thì đây cũng là yếu tố nguy cơ làm giảm quá trình điều trị cho người dân.
Đó mới chỉ là khó khăn về đi lại của người dân, về phía hệ thống y tế cơ sở hiện cũng còn quá nhiều hạn chế khiến việc nâng cao chất lượng chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế thừa nhận hệ thống y tế công lập tại nhiều địa phương trên cả nước còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế.
Theo ông Tác, chất lượng nguồn nhân lực nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân nhưng việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở gần như không có. Chưa kể hiện nay cán bộ tại một số tuyến y tế cơ sở không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chuyên môn, nhiều y, bác sĩ chưa nắm được cách xử trí đúng các bệnh mang tính thông thường; kiến thức của các y, bác sĩ thiếu nhất là chẩn đoán và xử trí các bệnh tim mạch, các bệnh nội khoa, sản và các bệnh chuyên khoa lẻ.
Về phía cơ sở, bà Trần Thị Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết, tình trạng thiếu bác sĩ đặc biệt trầm trọng ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, có bệnh viện chỉ có vỏn vẹn 6 bác sĩ, không có bác sĩ chuyên khoa I. Trên địa bàn tỉnh có 8 Trung tâm y tế huyện chỉ có 3 bác sĩ; 20 huyện chỉ có 1 và có tới 17 huyện chưa có bác sĩ chuyên khoa I. Chưa kể tại các huyện còn thiếu hụt các chuyên khoa hỗ trợ, ví dụ có bác sĩ ngoại nhưng không có bác sĩ gây mê, hồi sức cấp cứu, do vậy không thể triển khai phòng mổ.
Bác sĩ Nguyễn Như Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà cho biết, hiện Bệnh viện có nhu cầu khoảng 60 bác sĩ song hiện nay mới chỉ có 29 bác sĩ, một số chuyên khoa quan trọng như tim mạch vẫn chưa có bác sĩ, trong khi đó mặt bệnh lại rộng, trải dài nên nhiều khi bản thân các nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân.
“Bệnh viện cũng không thể thực hiện được khoảng hơn 50% những kỹ thuật đúng tuyến mà lẽ ra bệnh viện phải thực hiện được. Chưa kể 10 năm qua không có bác sĩ nào mới về bệnh viện công tác. Do vậy, bệnh viện buộc phải tự nâng cao chất lượng bằng cách cử cán bộ đi đào tạo", Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà nói.
Cùng chung tình trạng trên là thực tế tại địa bàn tỉnh Cao bằng. Theo thống kê của Sở Y tế Cao Bằng, 100% bệnh viện đa khoa tuyến huyện thiếu bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật; 40/199 trạm y tế xã, phường, thị trấn thiếu bác sĩ, nhiều trạm y tế không có bác sĩ.
Y sĩ Đinh Ngọc Thức - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Thanh, huyện Nguyên Bình tỉnh Cao bằng cho biết: Từ năm 2008, trạm y tế đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nhưng không có bác sĩ để thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.
Thiếu thốn cơ sở vật chất
Khảo sát của phóng viên tại nhiều trạm y tế cho thấy nhiều cơ sở đã xuống cấp sau hàng chục năm đưa vào sử dụng, thậm chí nhiều trạm được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn đang được sử dụng. Tương tự là trang thiết bị, nhiều trạm mới đạt 50% so với chuẩn quốc gia, cho nên khó bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Theo thừa nhận của ông Lục Văn Đại, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng, trên địa bàn toàn tỉnh dù đã có 90 trong tổng số 199 trạm y tế xã, phường được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia nhưng mới có 11 trạm được đầu tư xây dựng theo mô hình mới. Còn lại hầu hết được xây dựng từ khá lâu, cho nên đã xuống cấp, diện tích sử dụng chật hẹp và trang thiết bị y tế cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Cơ sở vật chất của một số trạm y tế hư hỏng, xuống cấp hoặc quy mô không đáp ứng yêu cầu của chuẩn quốc gia. Công tác bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị vẫn còn bộc lộ một số hạn chế do thiếu cán bộ có chuyên môn…
Trước những khó khăn của y tế cơ sở, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân tại tuyến cơ sở, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, Nhà nước và ngành Y tế cần có các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho y tế tuyến xã cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính... Việc đầu tư cho y tế cơ sở không chỉ là giải pháp hữu hiệu nhất, tiết kiệm nhất mà là việc làm nhân văn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại Lễ Bàn giao bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó do Bộ Y tế tổ chức ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian tới ngành Y tế sẽ tiếp tục đào tạo bác sĩ trẻ có tay nghề với những ưu đãi về việc làm, chế độ đãi ngộ về công tác tại vùng khó khăn để đáp ứng công tác khám chữa bệnh trên địa bàn các địa phương này. Bên cạnh đó các đề án như đề án luân chuyển cán bộ về tuyến dưới, đề án bệnh viện vệ tinh cũng tiếp tục được thực hiện.
Cũng theo Bộ trưởng Y tế, Bộ Y tế đang thực hiện việc đổi mới toàn diện cơ chế đầu tư tài chính cho trạm y tế xã. Xem xét việc quy định bổ sung danh mục BHYT được thanh toán, về lâu dài BHYT cần thanh toán cho cả các hoạt động phòng bệnh; xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản ở tuyến xã để triển khai các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ông Lục Văn Đại cho biết, thời gian tới Sở Y tế Cao Bằng sẽ tăng cường công tác đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ và chất lượng chuyên môn theo nhiều hình thức: Đào tạo liên tục, đào tạo dài hạn tại các trường đại học, đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc"; đào tạo và triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, mô hình quản lý các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường...
Ông Đại cũng cho biết, Sở Y tế Cao Bằng sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế xã về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, thuốc thiết yếu để trạm y tế xã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn.
Y tế cơ sở được xem như là nền tảng xương sống của nền y tế vì dân do vậy quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà còn của các bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể và chính quyền các địa phương.