Ý tưởng kinh doanh mới của hãng bán kính

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với ý tưởng mới của Luxottica, khi một cụ bà muốn chọn mua kính đọc sách sẽ có cơ hội thử độ cản gió của cặp kính bằng cách đi vòng quanh chiếc cối xay gió đặt ngay tại cửa hàng.

KTĐT - Với ý tưởng mới của Luxottica, khi một cụ bà muốn chọn mua kính đọc sách sẽ có cơ hội thử độ cản gió của cặp kính bằng cách đi vòng quanh chiếc cối xay gió đặt ngay tại cửa hàng.

Một đường hầm thông gió, một người gác cửa, và toàn bộ cửa hàng thì y như nhãn cầu khổng lồ. Có vẻ như trông nó không giống nơi bán kính mắt cho lắm.

Thế nhưng đó lại là ý tưởng kinh doanh mới mà Luxottica - hãng chuyên sản xuất kính mắt đặt trụ sở tại Italy và có giá trị thị trường lên tới 6,6 tỷ USD - đang áp dụng với các địa lý bán lẻ của mình để vượt khủng hoảng. Concept này bắt nguồn từ Apple và Disneyland nhằm lôi kéo khách hàng mới khỏi các cửa hàng giảm giá hay các shop o­nline.

Ảnh: NY Times
Cửa hàng Eye Hub của Luxottica ở Australia tạo thử nghiệm mua sắm tương tác mới cho khách hàng. Ảnh: NY Times

Giám đốc toàn cầu của Luxottica Andrea Guerra chia sẻ với NY Times: "Không phải lúc nào khủng hoảng cũng chỉ đem lại những điều tồi tệ. Khi thế giới thay đổi một cách nhanh chóng, thì những suy nghĩ của bạn cũng sẽ trở nên táo bạo hơn”.

Với ý tưởng mới của Luxottica, khi một cụ bà muốn chọn mua kính đọc sách sẽ có cơ hội thử độ cản gió của cặp kính bằng cách đi vòng quanh chiếc cối xay gió đặt ngay tại cửa hàng. Hay khi người mua hàng muốn chụp ảnh, họ có thể sử dụng ngay các màn hình cảm ứng tại đó. Ở đây cũng có cả khu vui chơi dành cho trẻ em với tường xốp và video.

Ý tưởng của Luxottica khá kì quặc và rủi ro, vì kính mắt là mặt hàng thông dụng. Stanton Kawer, Giám đốc của Blue Chip Marketing Worldwide – một công ty quảng cáo, nói rằng đó là một canh bạc thông minh trong thời buổi khó khăn của các nhà bán lẻ. Ông nhận xét: “Đó là một trung tâm tuyệt vời cho việc nghiên cứu và đột phá”.

Cửa hàng đầu tiên đã được mở tại Hawthorn – một vùng ngoại ô của Melbourne (Australia) vào thứ tư tuần trước. Họ cũng có kế hoạch xây thêm 10 đến 15 cửa hàng nữa ở Mỹ, Trung Quốc và Anh trong ba năm tới.

Ông Chris Beer - Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nam Phi của Luxottica nói: “Nếu Internet quá hoàn hảo đối với mọi người, thì sẽ không đến các cửa hàng mua đồ nữa. Thực tế là, bạn cần phải tạo ra một mối liên kết và những kinh nghiệm cá nhân. Đó là điều chúng tôi đang làm”. Việc xây dựng cửa hàng ở Hawthorn, được gọi là OPSM Eye Hub được bắt đầu vào đầu năm nay và tiêu tốn gấp gần 2 đến 3 lần chi phí cho một cửa hàng LensCrafters ở Mỹ.

Ảnh: NY Times
Cô Tamsyn Lewis, một vận động viên Olympic, đang thử kính bằng cách chạy trong đường hầm đầy gió của cửa hàng Eye Hub. Ảnh: NY Times

Theo NY Times, Luxottica bắt đầu hồi phục từ năm 2009 khi doanh thu quý đầu tiên của họ tăng 6% so với năm trước. Họ hy vọng sự thay đổi về cách bài trí cửa hàng sẽ giúp doanh thu tăng mạnh hơn nữa. Giống như các đại lý bán lẻ khác, Luxottica cũng đang phải đối mặt với hai cuộc chiến, một là chống lại cuộc suy thoái toàn cầu, và hai là sự phổ biến của mua bán qua mạng.

Ở Eye Hub, có một người gác cửa chào hỏi khách hàng. Và rút kinh nghiệm từ các trang mua bán o­nline, ông Beer cho biết: “Những người này sẽ nói rõ cửa hàng đang bày bán những mặt hàng gì và hỏi khách hàng xem họ muốn tương tác với cửa hàng theo cách nào”.

Và để tạo sự khác biệt so với shop o­nline, Eye Hub bày mỗi loại kính ở một khu vực riêng, ví dụ kính nam bán chạy nhất, kính thể thao, kính cho người mặt tròn. Ông Beer nói: “Một số khu vực phân theo giới tính, một vài khu chuyên kính thời trang, khu khác thì xếp theo hình dạng và có nơi lại theo khuôn mặt”.

Ngoài cối xay gió, cửa hàng cũng có một loại máy mô phỏng ánh sáng trên tuyết hay trên mặt nước cũng như điều kiện bão tuyết và mặt trời lặn. Để khách hàng có thể nhìn xem họ trông như thế nào khi đeo kính, cửa hàng có trang bị 41 màn hình cảm ứng đóng vai trò như cả camera và gương. Khách hàng có thể nhìn ngắm mình trong gương và chụp ảnh. Họ cũng có thể đưa ảnh lên Facebook hoặc các website khác để tham khảo ý kiến bạn bè trước khi quyết định mua.

Eye Hub nằm một mình trên một khu đất rộng gần 1487 m2 và được thiết kế theo hình dáng của một nhãn cầu khổng lồ. Phần “lòng đen” của nhãn cầu này là khu vực của các nhãn hàng đắt đỏ nhất thế giới như Dolce & Gabbana và Versace.

Cũng giống như các khu hỗ trợ khách hàng của Apple, Eye Hub cũng có những khu vực giúp khách hàng nghiên cứu các vấn đề về mắt và cách chữa trị. Họ cũng có nhiều cách để giao dịch với khách hàng, ngoài thu ngân, nhân viên bán hàng cũng có thể thực hiện một giao dịch hoàn chỉnh và một số việc khác như ấn nút để biến bức tường kính trong suốt thành tường mờ để đảm bảo sự riêng tư.

Việc khách hàng coi Eye Hub là một nơi để mua sắm hay chỉ là chỗ vui chơi sẽ quyết định số cửa hàng được xây trong thời gian tới. Ông Guerra nói: “Đây là phòng thí nghiệm lớn nhất mà chúng tôi đã từng mở, và chúng tôi vẫn đang thử nghiệm”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần