Yeah1 "bốc hơi" hơn 500 tỷ đồng
Mới đây, YouTube đã phát ra thông báo về việc chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung sau ngày 31/3/2019 đối với các công ty có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Spring Me Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC. Đây là đòn giáng mạnh vào Tập đoàn Yeah1 (Yeah1), một trong những công ty nội dung số có tiếng tại Việt Nam. Bên cạnh việc nắm trong tay Yeah1 Network Pte Ltd - mạng lưới quản lý kênh YouTube "khủng" nhất tại Việt Nam - Yeah1 còn giữ cổ phần đáng kể trong Spring Me Pte. Ltd và ScaleLab LLC.
Youtube đang là mảng kinh doanh quan trọng đối với Yeah1 |
Trước sự cố lớn này, Yeah1 cho biết Tập đoàn đã làm việc với Youtube nhằm đưa ra hướng giải quyết. "Ban quản lý cấp cao của Yeah1 đang tích cực làm việc trực tiếp với các quản lý cấp cao của Youtube để hiểu rõ sự việc nêu trên và để đạt được kết quả tích cực về việc tiếp tục các thỏa thuận với YouTube sau ngày 31/03/2019", thông cáo báo chí của Yeah1 đưa ra.
Chưa biết kết quả làm việc giữa Yeah1 và Youtube có mang lại kết quả tích cực gì không nhưng gần như ngay lập tức thị trường đã có phản ứng trước những thông tin bất lợi nói trên. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/3, cổ phiếu YEG của Yeah1 đã giảm sàn 7% so với tham chiếu (tương ứng 17.100 đồng), xuống mức 227.900 đồng. Với hơn 31,2 triệu cổ phiếu đang niêm yết, vốn hóa thị trường của Yeah1 cũng "bốc hơi" khoảng 530 tỷ đồng, chỉ còn hơn 7.100 tỷ đồng.
Được biết, việc hợp tác với Youtube đóng vai trò tối quan trọng đối với Yeah1. Trong năm 2017, số tiền thu được từ YouTube đã chiếm tới tới 34,4% doanh thu và 56,9% tổng lợi nhuận sau thuế của Yeah1, tương đương 293 tỷ doanh thu và 55 tỷ đồng lãi ròng. Do đó, trong thời gian gần đây, Yeah1 luôn chú trọng mở rộng hệ thống mạng lưới có liên quan tới mảng kinh doanh này thông qua các thương vụ M&A trị giá hàng triệu USD.
Tới năm 2018, Yeah1 còn trở nên "phụ thuộc" Youtube hơn khi mảng kinh doanh kỹ thuật số trên nền tảng này và xuất bản nội dung số năm vừa qua của Yeah1 đã tăng hơn 93% và chiếm tới 89% lợi nhuận của Tập đoàn. Theo kế hoạch kinh doanh của Yeah1, năm 2019, doanh thu kỹ thuật số từ YouTube sẽ là 544 tỷ.
Do đâu Yeah1 gặp hạn?
Sau khi sự cố giữa Youtube và Yeah1 được công bố, cộng đồng người làm Youtube tại Việt Nam đã có nhiều thông tin lý giải nguyên nhân. Đa phần trong số này cho rằng đó là hậu quả của những dịch vụ ngoài luồn của các mạng lưới trên khi bật chức năng kiếm tiền cho các kênh YouTube mới thành lập, muốn đi lên nhanh bằng nội dung kém chất lượng hoặc giật gân.
Theo N.T, một người có nhiều năm làm Youtube, bình thường một kênh YouTube đủ 1.000 người đăng ký, 4.000 giờ xem video và nội dung phù hợp sẽ được bật kiếm tiền từ quảng cáo Google Adsense. Tuy nhiên, nếu kênh YouTube có chứa nội dung "bẩn" như bạo lực, nhảm nhí, độc hại ... sẽ không được xét duyệt bật kiếm tiền từ YouTube. Từ đó, dịch vụ bật kiếm tiền được ra đời.
Cụ thể, các kênh Youtube không đủ điều kiện nội dung sẽ được cho vào mạng lưới lớn, điều này giúp kênh có uy tín với YouTube và dễ dàng được xét duyệt kiếm tiền hơn", N.T lý giải. Sau khi đã bật kiếm tiền, mạng lưới trên sẽ ngừng liên kết với kênh nhằm né trách nhiệm nếu có. Lúc này, mạng lưới sẽ không chịu trách nhiệm quản lý nội dung của kênh nữa nhưng kênh vẫn tiếp tục kiếm ra tiến cho dù nội dung không đủ điều kiện đi chăng nữa.
Giá cho dịch vụ này từ 10-60 triệu đồng/kênh tùy quy mô và mức độ vi phạm nội dung của kênh, N.T cho biết thêm.
Rất nhiều mạng lưới như trên được cho là thuộc Spring Me Pte. Ltd, công ty con của Yeah1. Ngay từ đầu tháng 3/2019, hàng loạt kênh YouTube bật kiếm tiền qua dịch vụ của công ty này đã bị YouTube truy quét dẫn tới mất kênh.
Tới thời điểm hiện tại, Yeah1 vẫn chưa đưa ra nguyên nhân của sự cố với Youtube cũng như bình luận về những gì được cộng đồng người làm Youtube tại Việt Nam bàn luận.