70 năm giải phóng Thủ đô

Yên Bình bứt phá ngoạn mục

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm sáp nhập về Thủ đô, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất đã nhận được những chính sách đầu tư thiết thực từ TP và huyện. Đây chính là nguồn lực giúp địa phương bứt phá trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

 Trang trại Hoa Viên (Yên Bình, Thạch Thất) là điểm sáng về mô hình nông nghiệp hữu cơ khép kín.
Yên Bình trước đây vốn là một xã miền núi thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, xã Yên Bình được tách khỏi huyện Lương Sơn và nhập vào huyện Thạch Thất.
Hiệu quả từ chính sách

Ông Nguyễn Giáp Dần - Chủ tịch UBND xã nhớ lại, trước đây nhắc đến Yên Bình, người ta nghĩ ngay tới một xã miền núi khó khăn, giao thông trên 90% là đường đất, lầy lội vào mùa mưa, giao thông bị chia cắt, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Hệ thống mương máng hoàn toàn chưa được đầu tư xây dựng; trường học; trạm y tế; nhà văn hóa chủ yếu là nhà cấp bốn đã xuống cấp trầm trọng; hệ thống điện do Nhân dân tự đóng góp xây dựng nên chất lượng không cao, có thôn còn không có điện.

Tuy nhiên, từ khi được sáp nhập về Hà Nội, thuộc địa bàn huyện Thạch Thất, xã đã được TP và huyện hết sức quan tâm trên tất cả các lĩnh vực. Giai đoạn 2008 – 2017, xã Yên Bình đã được đầu tư hơn 200 tỷ đồng cho 22 công trình như trường học, trạm y tế, giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa… Các chính sách, dự án đối với xã miền núi được phân cấp cho xã làm chủ đầu tư thực hiện tốt. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế được xã triển khai hiệu quả, như việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cây con giống, phân bón trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thực hiện chính sách chuyển đổi vườn tạp và đồi cho thu nhập thấp sang trồng bưởi, thanh long ruột đỏ, các loại cây ăn quả, rau an toàn…

Cùng với phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để các hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, với tổng dư nợ hàng năm trên 10 tỷ đồng. Chỉ tính từ năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, xã đã tặng 19 con bò sinh sản cho 19 hộ, sửa 4 nhà xuống cấp cho hộ nghèo. Đặc biệt, hàng năm mở các lớp dạy nghề cho lao động trên toàn xã. Trong 10 năm qua, xã đã mở được 46 lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho 726 người trong độ tuổi lao động.

Những con số ấn tượng

Từ sự đầu tư có trọng điểm của TP và huyện, kết hợp lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia,... đã giúp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã năm sau luôn cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân mỗi năm là 180 triệu đồng/ha/năm. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 4% thì đến năm 2016 đã tăng lên thành 12,5%; thu nhập bình quân đầu người năm 2007 chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm, nhưng đến cuối năm 2017 đã tăng lên 42 triệu đồng/người/năm.

Một trong những con số ấn tượng nhất phải kể đến tỷ lệ hộ nghèo. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 là 14,2%, thì đến nay giảm xuống chỉ còn 2,06%. Hiện, 100% các thôn trong xã đạt danh hiệu làng văn hóa và đều được hòa mạng internet. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng được nâng cao. 10/10 thôn của xã đều có đội cồng chiêng, tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh cho người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đáng ghi nhận nhất là xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và được TP công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.