Yên tâm kinh doanh theo đúng pháp luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quy hoạch (QH) tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 của Bộ Công Thương, Hà Nội sẽ có chợ Long Biên bị xóa bỏ hoặc di dời trong giai đoạn 2015 - 2020 và chợ đầu mối phía Nam bị xóa bỏ, di dời trong giai đoạn 2021 - 2025.

Yên tâm kinh doanh theo đúng pháp luật - Ảnh 1Nhằm phần nào giải đáp những băn khoăn trong bà con tiểu thương, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.

Hệ thống chợ đầu mối: Chưa đúng tiêu chuẩn

Bà có đánh giá như thế nào về thực trạng các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội hiện nay?

- Trước tiên, tôi phải khẳng định, theo quyết định phân hạng của TP từ năm 2010 thì chợ Long Biên không phải là chợ đầu mối mà là chợ dân sinh hạng 2. Theo QH mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn đã được phê duyệt, toàn TP có 5 chợ đầu mối sẽ được xây dựng tại các huyện Gia Lâm, Quốc Oai, Sơn Tây, Mê Linh, Phú Xuyên.

Thực tế Hà Nội hiện chỉ có 2 chợ đầu mối là Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai). Phải thừa nhận các chợ này đang nằm trong nội thành, có điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng đúng quy chuẩn công năng phục vụ của chợ đầu mối. Song, vì nhu cầu của người dân TP và các tỉnh lân cận, cũng vì chưa có chợ đầu mối đúng tiêu chuẩn, nên một số chợ hạng 1, 2 đang phải thực hiện chức năng của một chợ đầu mối, như chợ Long Biên, chợ hoa Quảng An, chợ gia cầm Hà Vĩ, chợ cá Yên Sở... Hàng hóa tập kết về đó, bán cho các chợ trong nội thành phục vụ nhu cầu dân sinh trên địa bàn và phát luồng đi các tỉnh lân cận.

Hiện nay không có chợ đầu mối nào hoạt động theo đúng nghĩa, trong khi tại những chợ dân sinh ở những vị trí thuận lợi như Long Biên, hàng tứ xứ dồn về tập kết và phát luồng đi các nơi, bà con có nhu cầu và đáp ứng kinh doanh được thì tự nhiên cứ thế tồn tại và phát triển. Nhưng phải nói rằng, chợ Long Biên thực sự đang quá tải: Gây tắc nghẽn giao thông, chưa đảm bảo ATVSTP và phòng cháy chữa cháy (PCCC)... TP đã 2 lần đi kiểm tra, chỉ đạo và quận Ba Đình đang cho đầu tư xây dựng cải tạo chợ này để đáp ứng phần nào tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn đáp ứng của hệ thống chợ Hà Nội hiện nay thế nào, nhất là các vấn đề liên quan đến PCCC, ATVSTP..., thưa bà?

Sở Công Thương thực hiện chỉ đạo của UBND TP, đang tiến hành kiểm tra lại các chợ để đánh giá lại mô hình cũng như công tác quản lý đầu tư xây dựng chợ trên toàn TP. Đặc biệt, giữa tháng 7 này, Sở sẽ tổng kết 3 năm triển khai thực hiện 2 quyết định của TP về quản lý chợ và chuyển đổi mô hình chợ, xem việc thực hiện 2 quyết định này mang lại mặt được và chưa được, chưa phù hợp ở đâu thì đề xuất TP sửa đổi, bổ sung.

Theo nhận định của tôi, Hà Nội có 428 chợ hầu hết đáp ứng được nhu cầu dân sinh. Song tại các quận, huyện, một số chợ xuống cấp nghiêm trọng, không đủ điều kiện PCCC... Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Sở Công Thương đã tham mưu TP có các văn bản chỉ đạo quản lý chợ, đặc biệt trong mùa nắng nóng như hiện nay phải tăng cường PCCC. Trong các hội nghị quản lý Nhà nước, Sở còn mạnh dạn đề nghị TP, với những chợ chưa đảm bảo về PCCC thì phải dừng hoạt động để cải tạo sửa chữa, khi nào đáp ứng yêu cầu thì mới tiếp tục được hoạt động.

Tuy nhiên, nếu cho dừng hoạt động chợ cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều phía. Nên tôi cho rằng, một mặt cần tăng cường kiểm tra, một mặt các ban quản lý chợ phải đầu tư cải tạo sửa chữa làm sao đảm bảo tối thiểu về công tác PCCC, an toàn về con người, tài sản của Nhà nước, tập thể và từng cá nhân hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường vận động để bà con bố trí sắp xếp hàng hóa đảm bảo thông thoáng, đáp ứng yêu cầu vừa về văn minh thương mại vừa về công tác PCCC. Có những chợ như chợ Nành, bà con sắp xếp hàng ra hết đường đi, đội quản lý trật tự đi kiểm tra thì người ta dẹp vào, lúc không kiểm tra nữa họ lại bày ra... Như thế, khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng cứu hộ PCCC không thể có đường vào.

Bên cạnh đôn đốc nhắc nhở thường xuyên, Sở Công Thương cũng đề nghị các quận, huyện quan tâm đầu tư một phần ngân sách để hỗ trợ cải tạo nâng cấp các chợ trên địa bàn, song song với huy động nguồn vốn xã hội hóa của DN ngoài hoặc chính bà con tiểu thương đang kinh doanh.

Vậy, định hướng tới đây của TP về đầu tư hệ thống chợ như thế nào, thưa bà?

- Sở Công Thương đang trình TP cho phê duyệt đầu tư xây dựng một số chợ đầu mối, đặc biệt trong năm 2015 - 2016 làm thủ tục đề nghị xây dựng chợ đầu mối nông sản và hoa quả ở Gia Lâm. Tiếp theo, UBND huyện Quốc Oai cũng đang làm thủ tục đề xuất xây dựng chợ ở huyện, UBND huyện Mê Linh đề xuất xây dựng chợ đầu mối rau và hoa quả..., báo cáo các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi các chợ này được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, đúng công năng sử dụng của chợ đầu mối, phục vụ được nhu cầu của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận, thì những chợ hạng 1, 2 mà giờ đang phải làm chức năng của chợ đầu mối chắc chắn sẽ phải theo phân cấp quản lý: Chợ nào của TP thì TP xem xét, chợ nào của quận, huyện thì quận, huyện phải xem xét để sắp xếp, cải tạo sao cho đúng nghĩa là chợ dân sinh đã được phân hạng.

Các tiểu thương khi đó muốn kinh doanh bán buôn hay bán lẻ thì sẽ đăng ký về chợ đầu mối hay chợ dân sinh, hoàn toàn theo nhu cầu nên các hộ kinh doanh không có gì phải băn khoăn cả.

Chưa có điểm đến thì chưa thể di dời!

Trong thời gian tới nếu chưa xây xong các chợ đầu mối mới mà chợ Long Biên phải di dời, TP sẽ giải quyết các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại đây ra sao?

- Tất cả mọi điều trong QH, kể cả của Bộ Công Thương hay của TP Hà Nội, đều mới là khoảng thời gian nằm trong mục tiêu. Trong quá trình thực hiện QH vẫn phải uyển chuyển, phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, chứ không phải cứ ấn định ra là bắt buộc phải làm ngay. Chẳng hạn, chưa xây dựng được chợ đầu mối thì làm sao “đuổi” bà con tiểu thương đi được?! QH chỉ là mục tiêu đặt ra cho các ngành, cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức thực hiện, còn trong quá trình triển khai, có thể có nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Nếu thực tiễn đáp ứng được đúng các tiêu chí trong QH để cứ thế mà thực hiện thì rất tốt, còn nếu như chưa đáp ứng được thì các cơ quan chức trách, các cấp chính quyền sẽ bố trí sắp xếp, có phương án phù hợp cho bà con kinh doanh. Rõ ràng, chưa có điểm đến để di dời thì chưa thể bắt họ đi khỏi nơi cũ được.
Chợ Long Biên đang được cải tạo nâng cấp để dần đạt tiêu chuẩn của chợ dân sinh. 	Ảnh: Linh Nguyễn
Chợ Long Biên đang được cải tạo nâng cấp để dần đạt tiêu chuẩn của chợ dân sinh. Ảnh: Linh Nguyễn
Theo kế hoạch, các chợ đầu mối ở 5 huyện bao giờ sẽ được triển khai xây dựng, thưa bà?

- Cả 5 huyện này đều đã có báo cáo gửi UBND TP, nhưng trước hết, việc xây dựng chợ đầu mối và chợ nói chung phải theo quy định, có lộ trình. Thứ hai là, nguồn xây dựng chợ chủ yếu là xã hội hóa. Quá trình đầu tư chợ cần qua nhiều bước, kể cả đầu tư từ ngân sách Nhà nước thì cũng phải có kế hoạch vốn, không thể cứ muốn là làm ngay được.

Còn theo QH của Bộ Công Thương đề ra, khoảng thời gian còn 5 năm nữa là thời gian khá dài, các hộ tiểu thương không cần thiết phải lo lắng, bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng, QH chợ đầu mối chắc chắn rất khó để làm ngay, vì sẽ phải hội tụ rất nhiều điều kiện?

- Nhận định này hoàn toàn chính xác, bởi đây là cả một lộ trình dài. Đầu tư xây một chợ đầu mối, từ xác định thiết kế đến GPMB, cho đến thủ tục đầu tư xây dựng... cần phải có thời gian. Rồi chưa kể kinh phí ở đâu để xây, của Nhà nước hay xã hội hóa? Kêu gọi DN đầu tư xây dựng chợ ra sao?

Tôi nói vậy có nghĩa, trước mắt muốn di dời các tiểu thương thì phải có nơi cho họ đến. Bây giờ, bà con vẫn yên tâm hoạt động bình thường, với điều kiện chấp hành đầy đủ quy định về PCCC, pháp luật kinh doanh... Sau này khi có các chợ đầu mối tại các điểm xây dựng theo QH, bà con muốn được kinh doanh theo tính chất bán buôn thì đăng ký chuyển về chợ đầu mối, còn bà con nào bán lẻ thì vẫn ở vị trí chợ dân sinh. Theo chủ trương của TP đến thời điểm này vẫn là không xóa bỏ chợ nào cả. Nếu có thực hiện theo chủ trương của Bộ Công Thương thì chỉ là di dời “chức năng của chợ đầu mối” chứ không phải là di dời cái chợ đó đi nơi khác. Tức là chợ Long Biên vẫn ở vị trí hiện nay, nhưng sẽ quay trở lại chức năng vốn có là chợ dân sinh hạng 2. Còn với chợ đầu mối phía Nam, chưa rõ ràng sẽ di dời hay có thể sẽ chuyển công năng thành địa điểm phục vụ mục đích khác. Thực tế như ở TP Hồ Chí Minh đã dẹp bỏ được cả 12 chợ đầu mối trong nội thành để đưa ra ngoại thành, xa đến 40 - 50km.

Tôi muốn khẳng định lại rằng, QH của Bộ Công Thương chưa gây ảnh hưởng gì. QH nào cũng chỉ mang tính định hướng, đều có thể điều chỉnh theo từng năm cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Quản lý Nhà nước không thể không có QH, nhưng có QH không có nghĩa ấn định phải thực hiện theo đúng như vậy. Có thể bổ sung QH, rà soát nhiều điều để đưa ra khỏi QH, hoặc một QH dù hiện chưa phù hợp thực tế nhưng 5 năm nữa lại có thể phù hợp...

Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần