Yên Tử còn là “bảo tàng sống” của văn hóa làng nghề
Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch HĐQT - Công ty CP Phát triển Tùng Lâm Nguyễn Thị Thu Hà tại Diễn đàn “phát triển điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam”. Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, việc phát triển du lịch bền vững là hướng đi cần thiết, tuy nhiên, cần bảo vệ môi trường, gắn kết lịch sử địa phương và bảo tồn những giá trị văn hóa.
Thay đổi tư duy cộng đồng, tăng cường gắn kết với địa phương
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và hệ lụy ngày càng rõ nét từ du lịch đại trà thì “du lịch xanh”, “du lịch bền vững” trở thành một yêu cầu bắt buộc để ngành du lịch có thể tồn tại và phát triển.
Thực tế tại Khu du lịch Yên Tử, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, theo Quyết định 334/QĐ - TTg của Chính phủ định hướng, Yên Tử là trung tâm tâm linh Quốc gia. Với đặc thù phát triển du lịch tại khu vực có rừng nguyên sinh và hệ động, thực vật phong phú, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã hợp tác với Poma (Pháp), một đối tác giàu kinh nghiệm về cáp treo, để triển khai kỹ thuật tối ưu, bắt đầu phát triển hệ thống cáp treo từ đầu những năm 2000. Ngay khi bắt đầu triển khai, đơn vị thi công đã lên kế hoạch chi tiết để các cột cáp treo “đi trên ngọn cây”, bảo đảm khảo sát và đo đạc kỹ càng từng vị trí cột với mục tiêu tránh tối đa việc phá hủy thiên nhiên, bảo vệ rừng nguyên sinh; đồng thời, tăng cường gắn kết với địa phương, bảo tồn văn hóa, tạo cơ hội việc làm và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi làm du lịch xanh, du lịch theo hướng bền vững nên ngay từ đầu đã xác định việc cần làm là thay đổi tư duy cộng đồng, tăng cường gắn kết với địa phương. Đồng thời, tạo cơ hội việc làm và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường” - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Tùng Lâm chia sẻ.

Phó Chủ tịch HĐQT - Công ty CP Phát triển Tùng Lâm Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: “Chúng tôi phục dựng các làng nghề truyền thống, mang lại không gian đậm chất văn hóa Việt…”.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, du lịch xanh - du lịch bền vững đang trở thành xu hướng được các cơ quan quản lý, các DN du lịch ưu tiên phát triển, đặc biệt là tại các vùng di sản, sinh thái và văn hóa tâm linh. Du lịch xanh không còn đơn thuần là một lựa chọn mang tính thời điểm, mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để ngành du lịch có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, nơi được mệnh danh là cố đô Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-Ttg, ngày 27/9/2012.
Tài liệu cho thấy, dãy núi Yên Tử với đỉnh cao nhất 1.068m so với mực nước biển, từ lâu đã nổi tiếng về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nổi bật vùng Đông Bắc Tổ quốc, là đỉnh cao của cánh cung Đông Triều, tầm nhìn ra sông Bạch Đằng, vịnh Hạ Long và Biển Đông, sau lưng dựa vào mênh mông đồi núi Bắc Giang, Lạng Sơn. Nơi đây gìn giữ được gần như nguyên vẹn khoảng 2.700ha rừng nguyên sinh, với đa dạng sinh học đặc trưng của rừng núi nhiệt đới, có nhiều loài cây đặc hữu, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn du khách. Đặc biệt, Yên Tử là nơi gắn bó thiên nhiên cảnh quan đặc sắc với khu di tích tâm linh độc đáo.
“Bảo tàng sống” của văn hóa làng nghề
Đặt mục tiêu phát triển bền vững, du lịch Yên Tử thực hiện chuyển đổi văn hóa kinh doanh bằng việc thành lập Hiệp hội Kinh doanh Yên Tử để thúc đẩy kinh doanh bền vững với những hoạt động thực tế như: vận động chấm dứt các hành vi săn bắt thú rừng, dịch vụ tự phát và “chặt chém” du khách; tăng cường công tác bảo vệ cảnh quan môi trường; tổ chức quét dọn, thu gom rác và xử lý tại Uông Bí; xây dựng nếp sống thân thiện với môi trường trong các hoạt động kinh doanh tại địa phương.
Chia sẻ thêm về định hướng phát triển trong hành trình xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, để di sản sống mãi, đơn vị quản lý, khai thác, vận hành khu du lịch tâm linh Yên Tử đã có kế hoạch trong việc tái hiện và lan tỏa giá trị văn hóa – tâm linh, nghiên cứu và xây dựng Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, nơi du khách có thể “chạm” vào di sản thông qua trải nghiệm dịch vụ và kiến trúc độc đáo.
“Chúng tôi hợp tác cùng kiến trúc sư Bill Bensley và sử dụng nguyên liệu địa phương như tường trấu, gốm Phù Lãng… những vật liệu bản địa, thân thiện với môi trường và cũng là những sản phẩm thủ công nổi tiếng của các làng nghề truyền thống tại Việt Nam để xây dựng cảnh quan, kiến trúc. Cùng với đó, chúng tôi phục dựng các làng nghề truyền thống, mang lại không gian đậm chất văn hóa Việt, phù hợp với các tiêu chí xanh toàn cầu, tạo cho du khách cảm giác Yên Tử không chỉ là một điểm đến lưu trú mà còn là “bảo tàng sống” của văn hóa làng nghề” - bà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay.

Kết nối xây dựng du lịch xanh phá bỏ tình trạng “mùa vụ”
Kinhtedothi - Để phá bỏ tình trạng “mùa vụ” đòi hỏi các địa phương đẩy mạnh kết nối xây dựng tour du lịch xanh liên tuyến. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị Xúc tiến “Nghệ An - Thanh Hóa - Ninh Bình: hành trình du lịch xanh” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế (VITM Hà Nội 2025).

Vai trò của báo chí truyền thông với phát triển du lịch xanh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
Kinhtedothi - Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho GDP quốc gia.

Chuyển đổi nhận thức hành động nếu muốn du lịch xanh phát triển
Kinhtedothi - Để chuyển đổi du lịch xanh cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn “Phát triển các điểm đến xanh nâng tầm du lịch Việt” do Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức (11/4).