Vai trò của báo chí truyền thông với phát triển du lịch xanh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
Kinhtedothi - Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho GDP quốc gia.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Huy
Tuy nhiên, sự phát triển nóng ở một số địa phương đã và đang gây ra những hệ lụy về môi trường nghiêm trọng như ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Trước thực trạng đó, phát triển du lịch xanh, xây dựng điểm đến xanh – những địa điểm du lịch thân thiện với môi trường, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ là yêu cầu nội tại của ngành du lịch mà còn là cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu.
Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và các cam kết tại Hội nghị COP26 về chống biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, báo chí – với vai trò là cầu nối thông tin, diễn đàn của người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, định hướng hành động và lan tỏa các giá trị của điểm đến xanh trong phát triển du lịch. Bài tham luận này trình bày vai trò của báo chí truyền thông về phát triển điểm đến xanh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của báo chí truyền thông về lĩnh vực này trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Bối cảnh và yêu cầu phát triển điểm đến xanh trong du lịch Việt Nam
Trong những thập kỷ qua, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của đất nước. Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch đã giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, tốc độ phát triển nóng của du lịch tại nhiều địa phương đã đặt ra không ít thách thức đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tình trạng khai thác du lịch thiếu kiểm soát dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng: tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái, môi trường bị ô nhiễm, hệ sinh thái tự nhiên bị xâm hại và di sản văn hóa bản địa đứng trước nguy cơ mai một.
Các vụ việc phá rừng để xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, sự xuống cấp của các bãi biển nổi tiếng như Nha Trang, Vũng Tàu, hay ô nhiễm rác thải nhựa tràn lan tại các khu du lịch nổi tiếng là những minh chứng rõ ràng cho mặt trái của sự phát triển du lịch thiếu bền vững. Không chỉ gây tổn hại về môi trường, phát triển du lịch theo hướng khai thác quá mức còn làm suy giảm chất lượng trải nghiệm của du khách, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và uy tín của điểm đến Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, du khách hiện đại, đặc biệt là du khách từ các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngày càng quan tâm đến các yếu tố bền vững, trách nhiệm với môi trường khi lựa chọn điểm đến. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải sớm thay đổi tư duy phát triển du lịch, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, lấy chất lượng, bền vững làm trọng tâm.
Tong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Việt Nam, với tư cách là quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, đã cam kết thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), trong đó có các mục tiêu liên quan trực tiếp đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển du lịch bền vững.
Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam cũng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Những cam kết mạnh mẽ này đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi xanh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Phát triển điểm đến xanh – tức là xây dựng các khu vực du lịch thân thiện với môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tôn trọng văn hóa địa phương và mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho cộng đồng – trở thành một hướng đi tất yếu để đảm bảo ngành du lịch Việt Nam vừa phát triển lâu dài, vừa thích ứng hiệu quả với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, khủng hoảng năng lượng.

DN du lịch Hà Nội tổ chức thu gom rác thải tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam
Điểm đến xanh không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường tự nhiên, mà còn bao hàm cả việc tạo dựng những giá trị văn hóa, xã hội bền vững. Một điểm đến xanh lý tưởng phải đáp ứng các tiêu chí như: sử dụng tài nguyên hiệu quả, quản lý rác thải hợp lý, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì giá trị văn hóa bản địa, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng địa phương và mang lại trải nghiệm tích cực cho du khách. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các điểm đến xanh. Với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan thiên nhiên phong phú từ rừng núi, cao nguyên đến bãi biển, đồng bằng, cùng với nền văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em, Việt Nam có thể xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp bền vững, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trên thực tế, nhiều địa phương đã sớm nhận thức được xu thế này và triển khai các sáng kiến điểm đến xanh. Ví dụ, Hội An với mô hình thành phố không khói xe vào ban đêm và hạn chế rác thải nhựa; Cù Lao Chàm với chương trình “Nói không với túi ni-lông”; Sa Pa với các mô hình homestay cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc; hay các khu du lịch sinh thái tại Cần Giờ, Pù Luông, Tràm Chim đang dần hình thành và khẳng định giá trị.
Tuy vậy, việc phát triển điểm đến xanh ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức do nhận thức chưa đồng đều giữa các bên liên quan; sự thiếu hụt cơ chế, chính sách hỗ trợ; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; công tác tuyên truyền, quảng bá chưa được chú trọng đúng mức; và đặc biệt là thói quen tiêu dùng và hành vi du lịch của một bộ phận du khách còn nặng về lợi ích ngắn hạn, thiếu ý thức bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và phát triển các điểm đến xanh đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía: chính quyền địa phương, DN du lịch, cộng đồng dân cư, du khách và toàn xã hội. Đặc biệt, vai trò của truyền thông và báo chí trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và lan tỏa giá trị điểm đến xanh là hết sức quan trọng.
Báo chí, với sức mạnh truyền thông rộng lớn, có thể góp phần dẫn dắt dư luận, thúc đẩy những thay đổi tích cực, quảng bá những mô hình du lịch xanh tiêu biểu, phê phán những hành vi xâm hại môi trường và kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái du lịch bền vững. Chỉ khi báo chí tham gia tích cực, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành và toàn xã hội, mục tiêu phát triển điểm đến xanh của du lịch Việt Nam mới có thể trở thành hiện thực.
Vai trò của báo chí truyền thông
Báo chí và truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các điểm đến xanh trong du lịch. Với chức năng thông tin, tuyên truyền, định hướng và giám sát xã hội, báo chí có thể tác động sâu rộng đến nhận thức, thái độ và hành vi của toàn xã hội đối với vấn đề phát triển du lịch bền vững.
Trước hết, báo chí là lực lượng tiên phong trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về khái niệm và tầm quan trọng của điểm đến xanh. Trong bối cảnh nhiều người dân, DN và cả du khách còn mơ hồ về du lịch xanh, các sản phẩm truyền thông như các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục… đã phổ biến kiến thức, làm sáng tỏ các tiêu chí của một điểm đến xanh như việc sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải hiệu quả, bảo tồn đa dạng sinh học, tôn trọng văn hóa bản địa và tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Thông qua những câu chuyện người thật, việc thật, những hình ảnh ấn tượng về các mô hình thành công như Cù Lao Chàm (Hội An), Pù Luông (Thanh Hóa) hay Khu sinh thái Tràm Chim (Đồng Tháp), báo chí giúp công chúng thấy rõ lợi ích thiết thực của phát triển điểm đến xanh không chỉ đối với môi trường, mà còn đối với kinh tế và xã hội. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức và thói quen của du khách, DN và người dân địa phương theo hướng có trách nhiệm hơn.
Bên cạnh đó, báo chí có vai trò lớn trong quảng bá hình ảnh các điểm đến xanh tới du khách trong nước và quốc tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, khi xu hướng lựa chọn điểm đến thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng, việc báo chí giới thiệu những giá trị nổi bật của các điểm đến xanh Việt Nam trở nên cấp thiết. Thông qua các bài viết chuyên đề, các chuyên mục du lịch xanh, các phóng sự tài liệu, clip quảng bá trên nền tảng số, báo chí có thể truyền tải thông điệp về một Việt Nam tươi đẹp, phát triển bền vững.
Không chỉ đóng vai trò tuyên truyền và quảng bá, báo chí còn thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội trong quá trình phát triển du lịch xanh. Các cơ quan báo chí với vai trò là diễn đàn của nhân dân có thể kịp thời phát hiện, phản ánh và lên tiếng trước những hành vi vi phạm như nạn phá rừng làm du lịch, xây dựng công trình trái phép trong khu vực bảo tồn, xả thải gây ô nhiễm tại các khu du lịch.
Những vụ việc phá rừng phòng hộ ở Phú Quốc, tình trạng rác thải tràn ngập tại bãi biển Vũng Tàu hay bê tông hóa khu vực Bà Nà Hills đã được báo chí phanh phui, tạo áp lực dư luận buộc các DN và chính quyền địa phương phải điều chỉnh hành vi, tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngoài ra, báo chí còn đóng vai trò kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái du lịch xanh.
Bằng việc tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, báo chí tạo ra không gian đối thoại cởi mở giữa nhà nước, DN, cộng đồng dân cư, các tổ chức quốc tế và du khách. Qua đó, các bên có thể chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu mô hình hay, tháo gỡ khó khăn và phối hợp hành động để thúc đẩy phát triển điểm đến xanh.
Trong kỷ nguyên số, báo chí truyền thống đang tích cực chuyển mình, tận dụng các nền tảng mạng xã hội, báo điện tử, podcast, vlog du lịch để tiếp cận đa dạng đối tượng công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Những chiến dịch truyền thông sáng tạo như “Nói không với rác thải nhựa”, “Du lịch không carbon”, “Một chuyến đi – Một cây xanh” đã và đang được nhiều cơ quan báo chí và đài truyền hình triển khai thành công, góp phần lan tỏa thông điệp du lịch xanh sâu rộng trong cộng đồng.
Mặc dù vậy, để phát huy tối đa vai trò của báo chí trong việc phát triển điểm đến xanh, cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế. Một số cơ quan báo chí còn coi du lịch xanh là đề tài phụ, chưa đầu tư xứng đáng về nhân lực, tài lực. Nội dung tuyên truyền về du lịch xanh đôi khi còn khô cứng, thiếu sáng tạo, chưa thực sự hấp dẫn người đọc. Một số bài viết còn sa đà vào mô tả cảnh đẹp mà thiếu chiều sâu phân tích về các tiêu chí xanh, dẫn đến việc nhận thức của công chúng về du lịch xanh còn hạn chế. Có thể khái quát một số vai trò của báo chí truyền thông đối với phát triển điểm đến xanh trong du lịch của Việt Nam như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cộng đồng. Một trong những chức năng hàng đầu của báo chí là tuyên truyền, phổ biến kiến thức, định hướng dư luận xã hội. Thông qua các bài viết, phóng sự, chuyên trang chuyên mục, báo chí giúp cộng đồng hiểu rõ: Khái niệm và tiêu chí của một điểm đến xanh; Lợi ích của việc phát triển du lịch bền vững đối với môi trường, kinh tế và xã hội; Hệ lụy từ các hành vi du lịch thiếu ý thức đối với hệ sinh thái, môi trường tự nhiên và cộng đồng bản địa. Bằng cách truyền tải các câu chuyện thực tế, báo chí có thể thay đổi nhận thức và thói quen của du khách, cộng đồng dân cư cũng như doanh nghiệp du lịch, hướng họ đến những hành vi tiêu dùng xanh, du lịch có trách nhiệm.
Thứ hai, quảng bá hình ảnh điểm đến xanh. Báo chí là công cụ hữu hiệu để quảng bá các mô hình điểm đến xanh – từ các khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, đến các làng du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường. Thông qua việc phản ánh sinh động vẻ đẹp tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa và những sáng kiến bảo tồn tại các điểm đến xanh, báo chí góp phần: Thu hút du khách có trách nhiệm, những người sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho những trải nghiệm bền vững; Gia tăng giá trị thương hiệu cho các địa phương cam kết phát triển xanh; Khuyến khích nhân rộng các mô hình du lịch xanh trên cả nước.
Thứ ba, giám sát và phản biện xã hội. Một vai trò quan trọng khác của báo chí là phản biện, giám sát việc thực thi chính sách và hoạt động du lịch. Bằng cách kịp thời phát hiện, phản ánh những hiện tượng tiêu cực như: Phá rừng, xâm hại cảnh quan để xây dựng resort, khách sạn; Ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch; Lợi dụng danh nghĩa phát triển du lịch sinh thái để trục lợi…Báo chí tạo dư luận xã hội khiến các cơ quan chức năng và DN phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, báo chí cũng đóng vai trò kiến tạo, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và thúc đẩy các sáng kiến du lịch xanh.
Thứ tư, kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái du lịch xanh. Báo chí không chỉ là người đưa tin mà còn là nhà kiến tạo kết nối: giữa nhà nước, DN, cộng đồng và du khách; giữa các tổ chức quốc tế, dự án phát triển và các sáng kiến tại địa phương. Thông qua báo chí, các bên liên quan có thể hiểu rõ vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong phát triển điểm đến xanh, từ đó hợp tác hiệu quả hơn.

Một số giải pháp
Một là, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về du lịch xanh. Nhiều tờ báo hiện nay đã xây dựng các chuyên mục riêng như “Du lịch xanh”, “Bảo vệ điểm đến”, “Sống xanh cùng du lịch”… để tập trung đưa tin, phân tích chuyên sâu về chủ đề này. Các chuyên trang này cần được đầu tư bài bản về nội dung, hình ảnh, có tính cập nhật và phản ánh đa chiều để tạo sức hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ.
Hai là, tổ chức các chiến dịch truyền thông. Báo chí có thể chủ động khởi xướng hoặc đồng hành cùng các chiến dịch như: “Nói không với rác thải nhựa tại điểm du lịch”; “Một chuyến đi – Một cây xanh”; “Lựa chọn khách sạn xanh – sống trọn trải nghiệm xanh”… Thông qua loạt bài, phóng sự, tọa đàm trực tuyến, talkshow, báo chí sẽ tạo ra phong trào xã hội rộng lớn ủng hộ du lịch xanh.
Ba là, phối hợp với các cơ quan chức năng, tuyên tuyền, tôn vinh các mô hình du lịch xanh tiêu biểu. Báo chí chủ động giới thiệu, tôn vinh các DN, cộng đồng, cá nhân có sáng kiến xuất sắc trong phát triển du lịch xanh. Điều này vừa tạo động lực, vừa xây dựng hình mẫu tích cực cho xã hội noi theo.
Bốn là, ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội trong tác nghiệp. Trong kỷ nguyên số, báo chí cần tận dụng tối đa các nền tảng trực tuyến như báo điện tử, mạng xã hội, podcast, vlog du lịch… để truyền thông sáng tạo, đa dạng về điểm đến xanh, tiếp cận giới trẻ và công chúng hiện đại một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Năm là, trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí cần nâng cao trình chuyên môn hơn nữa cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên viết về du lịch xanh và phát triển bền vững thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư đổi mới nội dung và hình thức thể hiện, áp dụng các phương pháp kể chuyện sáng tạo, sử dụng đa phương tiện (infographic, video clip, podcast…) để truyền tải thông điệp du lịch xanh một cách sinh động, dễ hiểu và hấp dẫn. Tăng cường phối hợp giữa báo chí với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, môi trường, các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để khai thác nguồn thông tin chính xác, cập nhật và phong phú.
Trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành yêu cầu cấp bách của ngành du lịch Việt Nam, báo chí với sức mạnh truyền thông rộng lớn và khả năng dẫn dắt dư luận tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình. Chỉ khi báo chí đồng hành tích cực, các điểm đến xanh mới thực sự được nâng tầm, lan tỏa, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam như một quốc gia du lịch hấp dẫn, thân thiện và bền vững trên bản đồ thế giới.
Sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam, sự thành công của các điểm đến xanh trong tương lai không thể tách rời vai trò đồng hành, dẫn dắt của báo chí. Báo chí chính là lực lượng tiên phong trong việc khơi dậy nhận thức, lan tỏa giá trị, thúc đẩy hành động vì một ngành du lịch xanh – sạch – đẹp, vì một Việt Nam phát triển hài hòa và bền vững hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển du lịch xanh
Kinhtedothi - Ngày 4/4, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý công việc chuyên môn. Qua đó, nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ Sở Du lịch Hà Nội trong công tác quản lý, góp phần phát triển du lịch xanh.

VITM Hà Nội 2025: Đột phá với du lịch xanh và công nghệ mới tăng trải nghiệm khách hàng
Kinhtedothi- Điểm nhấn đặc biệt của Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2025 (VITM Hà Nội 2025) với chủ đề “Phát triển điểm đến Xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam” là lần đầu tiên giới thiệu các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và robot trong ngành du lịch, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành du lịch Việt Nam. Theo thống kê, có 50% trong số 40.000 doanh nghiệp du lịch đã ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.

Sơn La: liên kết phát triển du lịch tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Kinhtedothi - Sơn La xác định việc liên kết phát triển du lịch giúp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa những người làm du lịch trong tỉnh và xây dựng mối liên hệ hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành trên cả nước.