Yên Viên giữ nghề truyền thống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không như nhiều nghề truyền thống đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nghề làm bún, bánh ở thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm ngày càng phát triển do tìm được hướng đi đúng.

Cách làm này đã góp phần giúp cho Yên Viên trở thành một trong 2 xã đầu tiên của Gia Lâm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Sản xuất, chế biến bánh dày tại gia đình bà Đỗ Thị Sinh.
Sản xuất, chế biến bánh dày tại gia đình bà Đỗ Thị Sinh.
Vốn là làng Việt cổ, thôn Yên Viên còn có tên gọi là làng Vân. Ngoài làm ruộng, từ xưa, dân làng có nghề làm bún, bánh. Đặc biệt, từ khi Yên Viên thực hiện chương trình xây dựng NTM, nghề làm bún, bánh đã có thêm cơ hội phát triển mạnh. Ông Ngô Văn Đức - chủ hộ chuyên sản xuất bún sợi cho biết, trước đây, do làm thủ công nên mỗi ngày 4 người của gia đình chỉ chế biến được 100kg gạo. 5 năm trước, ông đầu tư 40 triệu đồng mua dây chuyền sản xuất bún khép kín theo quy trình an toàn bằng inox nên với 500kg gạo chỉ làm gọn trong nửa ngày. Đầu ra của sản phẩm đã có 10 lao động khác trong thôn đảm nhận.

“Ngày trước, muốn có bún giòn, ngon thì phải ngâm gạo từ 3 - 5 ngày mới xay bột nên thường có mùi chua, nước thải ra có mùi rất khó chịu. Sản phẩm lại thường sử dụng hàn the và một số phụ gia khác để bảo quản nên đầu ra rất khó. Còn hiện tại sản xuất bằng máy, lại được trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nên gạo chỉ cần ngâm trước khi xay vài giờ. Quá trình chế biến không sử dụng bất cứ loại phụ gia và chất bảo quản nào nên sản phẩm an toàn tuyệt đối, được người tiêu dùng tin tưởng" - ông Đức chia sẻ.

Hiện, thôn Yên Viên có 150 hộ làm nghề chế biến bánh, bún. Với phương châm "Mỗi nhà một sản phẩm hàng hóa điển hình", các hộ trong thôn đã tự phân công sản xuất, chế biến và tiêu thụ từng loại sản phẩm theo hướng chuyên môn hóa cao. Từ đó từng bước chiếm lĩnh thị trường nhiều tỉnh phía Bắc với các loại bún, bánh ngon có tiếng như bún sợi, bánh phở, bánh dày, bánh rán tẩm mật ong, bánh rán giòn tẩm đường… Ông Đặng Văn Hiệp – chủ một hộ sản xuất bánh phở cho biết, các khâu từ xay gạo, tráng bánh, cắt bánh... của gia đình đều được thực hiện trên dây chuyền theo quy trình khép kín nên tốn ít sức lao động. Theo ông Hiệp, 1kg gạo sản xuất trên dây chuyền này sẽ cho từ 2,5 - 2,6kg phở thành phẩm, cao hơn nhiều so với làm thủ công trước đây nên lợi nhuận cũng lớn hơn. Mỗi ngày gia đình ông bán ra thị trường trên 500kg bánh phở, góp phần tạo việc làm ổn định cho 20 lao động trong thôn, xã. Bà Đỗ Thị Sinh - chủ hộ chuyên sản xuất bánh dày chia sẻ, thấy việc giã bánh bằng chày tay vừa vất vả, vừa thu nhập thấp nên năm 1993, gia đình bà đã chế tạo thành công máy giã bánh bằng điện. Tiếp đó, gia đình mua thêm máy vo gạo, máy đảo nhân, máy đồ xôi sử dụng bằng gas và điện nên việc chế biến bánh vừa nhanh, vừa đảm bảo vệ sinh. Hiện nay, mỗi ngày gia đình bà Sinh đưa ra thị trường vài tạ bánh dày các loại. Để đảm bảo uy tín, chất lượng với khách hàng, trong thôn hiện không nhà nào sử dụng phụ gia trong sản xuất. Nhờ đó, lượng khách đặt hàng thường xuyên ngày càng tăng.

Dẫn chúng tôi đi thăm đường làng, ngõ xóm khang trang sạch sẽ, có hệ thống tiêu thoát nước hoàn chỉnh của thôn, ông Đặng Văn Thực - Bí thư Chi bộ thôn Yên Viên cho biết, số hộ tham gia phát triển nghề truyền thống trong thôn rất đông. Hàng năm, 100% hộ theo nghề đều tham dự các buổi tuyên truyền và tập huấn về VSATTP do UBND xã và các đoàn thể tổ chức. Hiện tại, hầu hết các hộ làm nghề đều sử dụng hệ thống máy hiện đại và dây chuyền chế biến khép kín cũng như xây bể biogas xử lý nước thải nên đã giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Yên Viên đã trở thành làng nghề tiêu biểu của huyện Gia Lâm trong việc giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.

Cùng với phát triển nghề truyền thống theo hướng an toàn, bền vững, tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, hiện tại, 100% diện tích đất lúa đã được các hộ trong thôn chuyển sang sản xuất rau theo quy trình VietGap. Những hoạt động trên đã góp phần vào sự chuyển mình vượt bậc về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn để Yên Viên trở thành một trong 2 xã đầu tiên của huyện Gia Lâm được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM.