Yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thu hồi công văn trái pháp luật

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành Công văn 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021 yêu cầu các trung tâm dạy nghề, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải đổi tên có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”. Ngày 6/3/2023, Bộ LĐTB&XH yêu cầu cơ quan này khẩn trương thu hồi công văn vì trái pháp luật.

Không có cơ sở pháp lý để yêu cầu đổi tên

Cụ thể, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành ngay văn bản về việc thu hồi Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẩn trương triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại Thông báo số 134/VP-TH ngày 2/3/2023 của Văn phòng Bộ về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng về Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT.

Bộ LĐTB&XH yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành ngay văn bản về việc thu hồi Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT yêu cầu các trung tâm dạy nghề, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải đổi tên có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”. Ảnh minh họa.
Bộ LĐTB&XH yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành ngay văn bản về việc thu hồi Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT yêu cầu các trung tâm dạy nghề, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải đổi tên có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”. Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 21/2/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp có Kết luận kiểm tra số 15/KL-KTrVB đối với Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố rà soát, hướng dẫn các cơ sở có tên trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã được thành lập hợp pháp phải rà soát, thực hiện đổi tên mới thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lý giải, thay đổi này dựa vào quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và quy định về giáo dục nghề nghiệp.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và nhiều doanh nghiệp cho biết đã kiến nghị đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, song không nhận được hồi âm. Ngay khi nhận được các phản ánh, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã vào cuộc để kiểm tra theo thẩm quyền.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, không có cơ sở pháp lý để yêu cầu các trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo lái xe ô tô được thành lập, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định tại Luật Dạy nghề năm 2006 phải thực hiện đổi tên mới có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

Hơn nữa, ngày 25/12/2015, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 10/2/2016) mới quy định về việc trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải có tên gọi bao gồm cấu phần “trung tâm giáo dục nghề nghiệp”. Trước thời điểm Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực, chưa có quy định pháp luật bắt buộc về tên gọi đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, không có cơ sở pháp lý để yêu cầu những trung tâm giáo dục nghề nghiệp được thành lập trước ngày 10/2/2016 phải đổi tên để bảo đảm tên gọi có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

Thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích

Kết luận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, ngày 21/2/2023 nêu rõ: Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT là văn bản hành chính nhưng có chứa đựng nội dung mang tính quy phạm pháp luật là trái pháp luật, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp buộc các trung tâm dạy nghề, trung tâm đào tạo lái xe ô tô phải thực hiện các thủ tục, nộp hồ sơ, tài liệu để đổi tên có thể dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cả những người đã, đang tham gia đào tạo. Và, có khả năng phát sinh hậu quả pháp lý phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp các chủ thể này có yêu cầu bồi thường.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kết luận: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ra công văn yêu cầu đổi tên trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo lái xe ô tô là trái quy định pháp luật. Ảnh minh họa: Internet.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kết luận: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ra công văn yêu cầu đổi tên trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo lái xe ô tô là trái quy định pháp luật. Ảnh minh họa: Internet.

Và, nhìn nhận từ góc độ thực tiễn cho thấy, việc đổi tên thuần túy không mang lại giá trị trong hoạt động của các trung tâm dạy nghề cũng như trong công tác quản lý nhà nước. Trong khi đó, yêu cầu các trung tâm dạy nghề đã được thành lập và hoạt động hợp pháp phải đổi tên dẫn đến những thủ tục phiền hà, phát sinh nhiều chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Ông Lại Thế Chất - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ Thành Đạt cho biết: Văn bản 3033 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp không đúng, thành ra chúng tôi thực hiện theo văn bản không đúng… Chúng tôi rất cần cơ quan chủ quản hướng dẫn đi tiếp hay quay lại vì hiện nay đang rất bối rối.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Tường là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến và Thương mại Đắc Tường, đặt câu hỏi: Bây giờ chúng tôi đổi hay là không đổi đối với đơn vị mà đã làm xong thủ tục đổi tên? Thế còn có phải đổi thì việc đó ai phải hộ chúng tôi chứ. Việc này chúng tôi không làm được nữa bởi vì rất nhiều tốn kém.

Về việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ra công văn yêu cầu đổi tên trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo lái xe ô tô là trái quy định pháp luật. Vì thế, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cần phải rút kinh nghiệm. Khi ra những văn bản mà đối tượng điều chỉnh rộng thì cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng xem các yếu tố nó tác động như thế nào, cần phải lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan.

 

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị Bộ LĐTB&XH khẩn trương xử lý các nội dung trái pháp luật của văn bản này. Đồng thời, rà soát quá trình thực hiện Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật nên trên gây ra (nếu có); xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định tại Điều 134 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Và thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận này theo quy định của Chính phủ.