Kỳ vọng bứt phá

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư công có vai trò rất lớn, tác động sâu rộng đối với nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, là động lực hết sức quan trọng và cả xã hội quan tâm.

Chưa bao giờ giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm vượt qua 50% nhưng năm nay đã đạt 51,30%. Đó là chưa kể, năm 2023 là một năm có khối lượng đầu tư công cực lớn (hơn 700.000 tỷ đồng) mà đạt tỷ lệ cao là rất tích cực. Giá trị vượt của 9 tháng đầu năm 2023 lên tới 110.000 tỷ đồng.

Các giải pháp đôn đốc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, 26 đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn và sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trên cả nước đang phát huy hiệu quả, mang lại những tín hiệu tích cực. Công tác đầu tư công được lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo; thường xuyên đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ thực hiện, nhất là các dự án, công trình trọng điểm.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện thủ tục đầu tư và khởi công nhiều dự án đường cao tốc như 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dự án lớn Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh (tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng) và Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội giai đoạn 1 (85.800 tỷ đồng)… Ngoài ra, một số dự án khác đã được khởi công gần đây như: đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Cao Lãnh - An Hữu.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là các bộ, ngành, địa phương có lượng vốn kế hoạch năm 2023 lớn, đóng vai trò các “cực tăng trưởng” như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… cũng đang trên đà tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Như tại TP Hồ Chí Minh, tiến độ giải ngân ì ạch suốt 5 tháng đầu năm nhưng sang tháng 6, số vốn ngân sách Nhà nước của TP thanh toán đạt hơn 11.700 tỷ đồng, giúp địa phương cải thiện 14 bậc, tiệm cận nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước. Tại Hà Nội, trong nửa đầu năm 2023 trở đi, đầu tư công luôn đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước và đang cao hơn mức trung bình của cả nước.

Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, trong 9 tháng qua, Bộ GTVT đạt cao nhất, với trên 55.917 tỷ đồng, TP Hà Nội đạt trên 25.251 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh gần 22.000 tỷ đồng, Bình Dương hơn 11.120 tỷ đồng…

Nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đề ra, đến nay, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã có tỷ lệ giải ngân tăng cao. Sự cải thiện rõ nét về dòng vốn giải đầu tư công cho thấy, các vướng mắc cố hữu về giải phóng mặt bằng, thủ tục chuẩn bị đầu tư… đã được tháo gỡ phần nhiều. Đặc biệt, việc tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực cũng đã được nhấn mạnh.

Nền kinh tế Việt Nam đang dựa vào ba động lực chính là tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư công. Trong bối cảnh một số động lực khác rơi vào suy giảm, trầm lắng, giải ngân vốn đầu tư công càng có ý nghĩa rất lớn. Dù áp lực trong các tháng còn lại là rất lớn nhưng các địa phương, bộ, ngành đang dốc toàn lực cho công tác này, kỳ vọng sẽ bứt phá để giải ngân hết 100% nguồn vốn được giao.