Vì một thành phố xanh, sạch, đẹp

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Đó là một trong những thách thức lớn mà Hà Nội, cũng như nhiều đô thị khác ở Việt Nam và trên thế giới, đang phải đối mặt.

Trước áp lực đô thị hóa, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh gia tăng hàng ngày. Trong khi đó, các phương tiện thu gom, vận chuyển cũng như công nghệ xử lý rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; việc phân loại và kiểm soát chất thải nguồn chưa tốt; ý thức của một bộ phận người dân chưa cao…

Đó là những nguyên nhân khiến đô thị vẫn còn những hình ảnh thiếu thiện cảm. Bài toán giải quyết rác thải đô thị đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết.

Hiện nay, dân số Hà Nội ước tính hơn 9 triệu người, lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày vào khoảng 7.000 tấn. Đó là chưa kể một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Với mức độ gia tăng rác thải như hiện nay, mỗi năm, số rác thải của TP Hà Nội tăng thêm khoảng 5%.

Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Đó là một trong những thách thức lớn mà Hà Nội, cũng như nhiều đô thị khác ở Việt Nam và trên thế giới, đang phải đối mặt.

Những năm qua, Hà Nội không ngừng thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng rác thải đô thị tồn đọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay, vẫn còn những hình ảnh không đẹp như: điểm thu gom rác nằm gần khu dân cư hoặc ngay hè phố; một bộ phận người dân vứt rác bừa bãi; khu xử lý rác thải quá tải…, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tạo nguồn cơn ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết tình trạng này, cần có sự kết hợp đồng bộ của nhiều biện pháp từ phía chính quyền và cộng đồng. Trước tiên, phía chính quyền cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bao gồm việc lập kế hoạch và triển khai các chiến lược thu gom, phân loại, xử lý rác thải hiệu quả; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Thứ hai, xây dựng thêm các trạm xử lý rác thải mới, nâng cấp các trạm hiện có, cải thiện hệ thống thu gom và vận chuyển rác để giảm thiểu tối đa lượng rác thải tồn đọng không được xử lý.

Thứ ba, nghiên cứu hoặc kêu gọi đầu tư phát triển công nghệ xử lý rác thải. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý, tái chế rác thải, giảm thiểu tác động môi trường và tăng cường hiệu quả trong việc quản lý rác thải. Hiện Hà Nội đã vận hành Nhà máy điện rác Thiên Ý. Kết quả bước đầu được đánh giá tương đối tốt.

Thứ tư, tổ chức đại trà chủ trương phân loại rác thải ngay tại nguồn. Bởi việc này giúp tăng hiệu quả thu gom và xử lý, đồng thời giảm áp lực lên hệ thống xử lý rác của TP.

Song hành với các giải pháp nêu trên, cần tiếp tục tăng cường các chiến dịch tuyên truyền về tác hại của việc xả rác bừa bãi cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường thông qua truyền thông, các chương trình giáo dục trong trường học và cộng đồng; tiếp tục áp dụng biện pháp xử phạt mạnh hành vi xả thải bừa bãi ra môi trường.

Duy trì nếp tổng vệ sinh vào sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần tại các khu dân cư trên toàn địa bàn TP… Để từ đó, mỗi cá nhân trong cộng đồng nhận thức rõ được tác động của việc xả rác bừa bãi đến môi trường và sức khỏe, từng bước thay đổi tư duy có trách nhiệm hơn trong việc quản lý, xử lý rác thải của bản thân, gia đình.

Bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng, Hà Nội sẽ giải quyết được bài toán rác thải, hướng đến một môi trường sống trong lành, bền vững hơn; để những cư dân Thủ đô sinh sống tại TP có thương hiệu xanh, sạch, đẹp luôn luôn cảm thấy tự hào; để mỗi du khách đến với Thủ đô có được những ấn tượng tốt đẹp.