Ít nhất 576.000 người ở Dải Gaza - một phần tư dân số khu vực này - chỉ còn cách nạn đói "một bước chân", quan chức viện trợ cấp cao của Liên Hợp Quốc khẳng định với Hội đồng Bảo an hôm 27/2, cảnh báo rằng nạn đói lan rộng có thể "gần như không thể tránh khỏi" nếu không có hành động ngay.
Ramesh Rajasingham, giám đốc điều phối của Văn phòng Liên Hợp Quốc về các vấn đề liên quan đến quân sự, chia sẻ với Hội đồng Bảo an rằng cứ 6 trẻ em dưới 2 tuổi ở phía bắc Gaza thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính, gầy còm và thực tế là tất cả 2,3 triệu người dân ở vùng đất Palestine phải dựa vào viện trợ lương thực “không đủ một cách khủng khiếp” để tồn tại.
Giám đốc điều phối Rajasingham cho biết Liên Hợp quốc và các nhóm viện trợ phải đối mặt với "những trở ngại quá lớn chỉ để có được nguồn cung tối thiểu cho Gaza." Những điều này bao gồm việc đóng cửa giao lộ, hạn chế đi lại và liên lạc, thủ tục kiểm tra phức tạp, tình trạng bất ổn, đường sá bị hư hỏng và bom mìn.
Phó Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Jonathan Miller cho biết Israel cam kết cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza, đồng thời nói rằng những hạn chế về số lượng và tốc độ viện trợ phụ thuộc vào năng lực của Liên hợp quốc và các cơ quan khác.
“Israel đã rõ ràng trong các chính sách. Hoàn toàn không có giới hạn nào về số lượng viện trợ nhân đạo có thể được gửi đến dân thường ở Gaza,” ông Miller nêu rõ.
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood khẳng định với Hội đồng Bảo an rằng Mỹ kêu gọi đồng minh Israel tiếp tục mở các cửa khẩu biên giới để vận chuyển viện trợ nhân đạo đến Gaza và tạo điều kiện mở thêm các cửa khẩu.
"Israel phải làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Israel cải thiện các thủ tục giảm xung đột để đảm bảo viện trợ có thể di chuyển an toàn và bảo mật,” ông Robert Wood thúc giục.
Phó Giám đốc điều hành WFP Carl Skau nói với Hội đồng Bảo an rằng Chương trình Lương thực Thế giới “sẵn sàng nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động nếu có thỏa thuận ngừng bắn”.
Tuy nhiên, trong lúc này, nguy cơ xảy ra nạn đói đang gia tăng do không thể đưa đủ số lượng nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng vào Gaza và các điều kiện hoạt động gần như không thể mà nhân viên của WFP trên thực địa phải đối mặt, theo ông Skau.
Theo thống kê của Israel, cuộc chiến ở Gaza nổ ra khi các chiến binh Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ 253 con tin. Cơ quan y tế tại khu vực do Hamas điều hành cho biết, chiến dịch trên không và trên bộ của Israel tại Gaza đã khiến khoảng 30.000 người Palestine thiệt mạng.
Đại sứ Liên hợp quốc của Guyana Carolyn Rodrigues-Birkett nói với hội đồng gồm 15 thành viên: “Chế độ bỏ đói như một phương pháp chiến tranh là bất hợp pháp và Guyana lên án những người cố tình sử dụng điều này như một công cụ chống lại người dân ở Gaza”.
Trong khi đó, Đại sứ Algeria tại Liên Hợp Quốc Amar Bendjama khẳng định với Hội đồng Bảo an rằng chiến dịch của Israel ở Gaza "là một hình phạt tập thể đối với dân thường Palestine". "Sự im lặng của chúng ta đã gián tiếp dẫn đến việc người dân Palestine thiệt mạng và bị bỏ đói."