Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

“Thuế quan của Mỹ là hồi chuông cảnh tỉnh với cộng đồng kinh tế ASEAN”

Kinhtedothi - Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sĩ Kao Kim Hourn vừa đưa ra lời cảnh báo trên, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường liên kết và khai thác sức mạnh từ thị trường với dân số hơn 600 triệu người.

Cảnh báo từ cú sốc thương mại

“Dù những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều thập kỷ qua đã đưa ASEAN trở thành điểm đến hàng đầu cho dòng vốn đầu tư toàn cầu, một trung tâm thương mại trọng yếu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là trung tâm tăng trưởng năng động – thì nền tảng đó đang dần lung lay”, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn phát biểu tại Hội nghị Đầu tư ASEAN diễn ra ngày 9/4 - sự kiện bên lễ hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur.

Tổng Thư ký ASEAN nhận định, việc Washington áp thuế hàng loạt lên hàng xuất khẩu từ các quốc gia ASEAN là “một hồi chuông cảnh tỉnh”, thể hiện sự mong manh của hệ thống thương mại tự do vốn đã thúc đẩy thịnh vượng của khu vực trong nhiều thập kỷ qua.

“Chúng ta không thể tiếp tục xem sự thịnh vượng nhờ toàn cầu hóa là điều hiển nhiên,” ông Kao nói. “Nếu không có hành động cấp thiết và mang tính tập thể để thúc đẩy hội nhập kinh tế nội khối và đa dạng hóa thị trường, chúng ta có nguy cơ đánh mất vị thế trong một nền kinh tế toàn cầu đang phân mảnh và biến động chóng mặt”.

Tổng Thư ký ASEAN cho biết, việc các nền kinh tế thành viên như Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar hay Thái Lan bị áp thuế từ 36% đến 49% đã gây chấn động và làm lộ rõ sự lệ thuộc của khu vực vào các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và Trung Quốc – nơi cũng đang áp dụng chính sách trả đũa thuế quan.

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Ảnh: theedgemalaysia.com

Tổng Thư ký ASEAN kêu gọi các nước trong khu vực cần hành động “một cách táo bạo, dứt khoát và đồng lòng” nhằm tăng cường liên kết nội khối, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường lớn, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đó, hôm 6/4, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói rằng ASEAN cần đoàn kết và đạt thỏa thuận chung về các mức thuế Mỹ mới công bố để bảo đảm các cuộc đàm phán và thảo luận sắp tới có một nền tảng vững chắc.

Cũng theo Thủ tướng Anwar, Malaysia sẽ dẫn đầu nỗ lực điều phối phản ứng khu vực Đông Nam Á đối với các mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với tư cách là chủ tịch ASEAN, Malaysia muốn cùng các nước ASEAN nỗ lực xây dựng một mặt trận khu vực thống nhất, duy trì chuỗi cung ứng mở và có khả năng chống chịu, đồng thời bảo đảm tiếng nói chung của khối được lắng nghe rõ ràng và dứt khoát trên trường quốc tế.

Chiến lược đối phó: tăng cường nội lực, mở rộng đối tác

Để đối phó hiệu quả với các rủi ro từ bên ngoài và đảm bảo tăng trưởng bền vững, ông Kao nhấn mạnh những giải pháp chiến lược mà ASEAN đang theo đuổi.

Về tăng cường hội nhập kinh tế nội khối, ASEAN đang nỗ lực đẩy mạnh thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng giữa các thành viên nhằm hình thành một thị trường thống nhất, giảm sự lệ thuộc vào dòng thương mại xuyên Thái Bình Dương hay xuyên Á.

“Chúng ta cần làm sâu sắc hơn mối liên kết nội khối, khai thác sức mạnh từ 678 triệu người dân, giải phóng toàn bộ tiềm năng chung và đa dạng hóa thị trường cũng như đối tác” – Tổng thư ký ASEAN nêu rõ trong bài phát biểu.

Theo ông Kao, các nước trong khu vực cần đa dạng hóa thị trường và đối tác thương mại. Tổng Thư ký ASEAN cho biết, khối đang tích cực nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand để tăng tính linh hoạt trong thương mại toàn cầu.

“Chúng tôi cam kết cập nhật và nâng cấp các FTA hiện tại để đảm bảo phù hợp với thực tiễn kinh doanh hiện đại,” ông khẳng định, đồng thời thông báo FTA nâng cấp giữa ASEAN – Australia – New Zealand sẽ có hiệu lực vào ngày 21/4 tới.

Ngoài ra, ASEAN đang xúc tiến ký kết FTA nâng cấp ASEAN – Trung Quốc 3.0 (ACFTA) và hoàn tất rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa với Ấn Độ trong năm nay.

Thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, khối đã xác định 19 dự án hạ tầng trọng điểm trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và số hóa – tạo nền tảng cho các doanh nghiệp vươn ra khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Kao, kết nối hạ tầng vật chất chưa đủ: “Kết nối thể chế và quy định – cho phép luồng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và nhân tài – cũng quan trọng không kém” – quan chức ASEAN lưu ý thêm.

Trong bối cảnh thế giới chuyển đổi số mạnh mẽ, ASEAN cũng xem kinh tế số là chất xúc tác mới cho tăng trưởng. Các nền tảng thương mại điện tử, thanh toán số và đổi mới sáng tạo sẽ là đòn bẩy giúp ASEAN nâng cao năng lực cạnh tranh. “Chúng ta đã xây dựng một hệ thống thương mại và đầu tư hài hòa, giúp ASEAN trở thành khối thương mại lớn thứ ba thế giới với tổng kim ngạch đạt 3.800 tỷ USD năm 2024” – Tổng thư ký ASEAN chia sẻ.

Tổng Thư ký ASEAN khẳng định khu vực đang đối mặt với các cú sốc địa chính trị, chính sách bảo hộ và cạnh tranh chuỗi cung ứng là điều không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần đoàn kết và hành động nhanh chóng. “Chúng ta không thể để sự thịnh vượng bị đánh đổi bởi sự thụ động. ASEAN phải hành động – và hành động ngay – để không bị tụt lại phía sau” - ông Kao nhấn mạnh.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ