Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm: Mừng về lượng, lo về chất - Bài 1: Mới thành công một nửa

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ - CP của Chính phủ, việc chấp hành quy định người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH) đã đạt kết quả rất tích cực.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cuộc vận động toàn dân đội MBH đến nay mới chỉ thành công một nửa khi mà vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết.
Bài 1: Mới thành công một nửa
Có thể nói, quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy đã được đại đa số người tham gia giao thông chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, bên cạnh thành công về số lượng, vẫn còn đó nỗi lo về chất lượng và ý thức tự bảo vệ mình bằng MBH đạt chuẩn của không ít người dân.

Hơn 90% người đi xe máy tại đô thị đội mũ bảo hiểm

Từ những năm 2000 với việc phương tiện xe máy ngày càng xuất hiện nhiều, đặc biệt là tại các đô thị lớn của Việt Nam, số vụ TNGT có liên quan đến xe máy ngày càng tăng cao; nguy cơ tử vong hoặc chấn thương nặng, để lại di chứng lâu dài do không đội MBH khi đi xe máy cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Trước thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ - CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT, giảm UTGT. Trong đó có quy định, từ ngày 15/9/2007, bắt buộc người tham gia giao thông bằng xe máy phải đội MBH. Ban đầu, quy định gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai trên cả nước, do nhiều người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của chiếc MBH. Tuy nhiên, bằng các biện pháp vừa tuyên truyền, vận động, vừa tăng cường xử phạt, đại đa số người dân đã dần có ý thức chấp hành nghiêm túc việc đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy. Đến nay, sau 10 năm thực hiện quy định nêu trên, tỷ lệ người tham giao thông bằng xe máy có đội MBH tại các đô thị đã tăng từ 30% (năm 2007) lên hơn 90% (năm 2017).

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt lái xe vi phạm trên phố Chùa Bộc. Ảnh: Phạm Hùng

Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia, 80% số nạn nhân thương vong trong các vụ TNGT liên quan đến xe máy. Và việc đội MBH đúng quy định đã giúp giảm 60% nguy cơ chấn thương đầu, 40% nguy cơ tử vong đối với nạn nhân TNGT. Theo ước tính của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP), khoảng 500.000 chấn thương đầu và 15.000 trường hợp tử vong đã được phòng tránh nhờ sử dụng MBH đạt chuẩn khi đi xe máy. Qua đó, cả nước đã tiết kiệm được 3,5 tỷ USD (khoảng 77.000 tỷ đồng) chi phí về y tế, tổn thất, thương tật trong các vụ TNGT. Phó Tổng giám đốc điều hành AIP Hoàng Thị Na Hương cho biết: “Với việc thực hiện rất tốt các quy định về sử dụng MBH, Việt Nam hiện được đánh giá một trong số các quốc gia đang phát triển có kết quả tích cực nhất trong công tác phòng chống thương vong do TNGT”.

Còn nhiều thách thức

Thành công là thế, nhưng việc vận động người dân chấp hành một cách nghiêm túc, đầy đủ các quy định về MBH vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Lưu Xuân Bình cho biết, theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tỷ lệ người dân đội MBH khi đi xe máy ở các đô thị khá cao, nhưng ở các vùng nông thôn, ngoại thành lại còn thấp, mới chỉ đạt từ 50 - 60%. Bên cạnh đó, còn khoảng 40% MBH đang lưu hành hiện nay chưa đạt chuẩn hoặc hình dáng thì giống nhưng không phải là MBH.

Ông Lưu Xuân Bình cũng nêu lên những vấn đề nhức nhối khác, đó là việc đội MBH cho trẻ em khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy hiện nay gần như không được thực hiện. Hoặc tình trạng học sinh sử dụng xe đạp điện để di chuyển nhưng không đội MBH diễn ra phổ biến từ thành thị cho đến nông thôn. “Tôi đã chứng kiến rất nhiều em học sinh, đang tuổi ăn tuổi lớn mà tương lai bỗng trở nên mù mịt bởi di chứng chấn thương sọ não do TNGT. Nếu các em đội MBH đầy đủ, đúng chuẩn thì có thể đã tránh được những di chứng nặng nề đó” - ông Bình chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Na Hương nhìn nhận: “Không thể phủ nhận rằng, ở nhiều nơi hiệu quả tuyên truyền chưa cao, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa”. Vị đại diện AIP lý giải, tại những khu vực nêu trên, việc xử phạt khi đi xe máy không đội MBH gần như bị bỏ ngỏ. Hoặc khi có các đợt cao điểm tuyên truyền, xử phạt thì người dân chấp hành khá tốt, nhưng thời gian ngắn sau đó lại vi phạm như cũ.

Thực tế này cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các quy định về đội MBH khi đi xe máy còn nhiều khó khăn. Kết quả xử lý vi phạm không đội hoặc đội MBH không đạt chuẩn, mũ giả cũng còn hạn chế, thậm chí có phần buông lỏng trong suốt thời gian qua. Nói cách khác, việc thực hiện các quy định về MBH đã thành công về lượng nhưng chưa thực sự thành công về chất.

Người dân nhiều nơi, kể cả nông thôn lẫn thành thị, vẫn chưa ý thức được rằng cần phải đội MBH đạt chuẩn để tự bảo vệ mình khỏi TNGT, không ít người chỉ đội để đối phó với lực lượng chức năng.
Phó Tổng giám đốc điều hành AIP Hoàng Thị Na Hương
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các vụ TNGT, nếu thực sự yêu thương con, các bậc cha mẹ hãy tự giác đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông bằng xe máy.
Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Lưu Xuân Bình
(Còn nữa)