Kinhtedothi - Tập đoàn bảo hiểm và tín dụng thương mại Coface của Pháp vừa công bố báo cáo nhận diện 10 quốc gia mới nổi sẽ tiếp bước các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), khi nhịp độ tăng trưởng của các nền kinh tế trong nhóm này đã giảm đi đáng kể sau 10 năm ghi dấu ấn mạnh mẽ.
Coface đã chia 10 nước nói trên vào hai nhóm. Nhóm thứ nhất có tên gọi tắt là PPICS, gồm Philippines, Indonesia, Colombia và Sri Lanka. Đây là nhóm có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ môi trường đầu tư ổn định.
Nhóm thứ hai bao gồm các nước Kenya, Tanzania, Zambia, Bangladesh và Ethiopia. Nhóm này có đặc điểm là môi trường đầu tư không thuận lợi hoặc rất không thuận lợi, điều có thể làm tổn hại đến triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động mua bán tấp nập tại một khu chợ ở Dhaka, Bangladesh. (Ảnh: AP)
|
So với BRICS ở thời điểm năm 2001, 10 quốc gia mới nổi lên hiện có những điểm còn thua kém. Mười nước này hiện chiếm chỉ 11% dân số toàn cầu, trong khi các nước BRICS vào năm 2001 đã chiếm tới 43%.
Tổng GDP của 10 nước này cũng chỉ bằng 70% tổng GDP của các nước BRICS 13 năm trước. Và trong khi 10 quốc gia mới nổi này đang bị thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 6% GDP, thì tính trung bình vào năm 2001, các nước BRICS lại đạt thặng dư.
Tuy nhiên, điểm cộng của các nước mới nổi lên là tỷ lệ lạm phát thấp hơn 2,8% so với tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế BRICS vào năm 2001 và nợ công là khoảng 40% GDP, so với con số 54% của các nền kinh tế BRICS vào năm đó.
Sau một thập niên tăng trưởng mạnh, năm nền kinh tế mới nổi thuộc nhóm BRICS đang chứng kiến sự giảm tốc đáng kể, trong khi các nền kinh tế đang nổi khác đang tăng tốc trên con đường tăng trưởng.
Báo cáo của Coface nói rằng nhịp độ tăng trưởng trung bình của năm nền kinh tế này trong năm nay sẽ giảm 3,2% so với mức trung bình của 10 năm trước. Tăng trưởng của nhóm BRICS chậm hơn là bởi đang diễn ra sự điều chỉnh về nguồn cung và sự giảm sút đáng kể trong tốc độ đầu tư.
BRICS đang bước vào một giai đoạn mới khi hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn.
Coface phác thảo một tương lai sắp tới của các nền kinh tế mới nổi là tiềm năng tăng trưởng hàng năm vượt 4%, nền kinh tế được đa dạng hóa, không phụ thuộc quá mức vào tiêu thụ nguyên liệu thô và có khả năng đương đầu với các cú sốc kinh tế.